Suy đoán vô tội

suy đoán vô tội
Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc được quy định trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế như: Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế năm 1966 của Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị; Quy chế Rome năm 1998 về Tòa án hình sự quốc tế… và trong Luật tố tụng hình sự phần lớn các quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc suy đoán vô tội là kết quả của cuộc đấu tranh không khoan nhượng của nhân dân, của dân chủ chống lại nền độc tài phong kiến và được xem như là giá trị tinh thần của nhân loại hiện diện trong pháp luật của thế giới văn minh. Sau đây, Luật Trần và Liên Danh xin đưa ra một số vấn đề về chủ đề này như sau:

Bàn về suy đoán vô tội

Theo Từ điển Bách khoa luật học, suy đoán vô tội là trạng thái mà theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định.
Theo Từ điển Bách khoa đương đại, suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của nền tố tụng dân chủ, theo đó người bị buộc tội được suy đoán vô tội trong khi việc phạm tội của người đó chưa được chứng minh theo trình tự luật định và chưa được xác định bởi phán quyết đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Suy đoán vô tội theo tiếng Anh là “presumption of innocence”. Thuật ngữ này còn có tên gọi khác là “the right to be presumed innocent”, với nghĩa là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được Tòa án rằng bị cáo đã phạm tội.
Ngay từ năm 1948, trong văn kiện quan trọng đầu tiên của Liên hiệp quốc về quyền con người là Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người đã khẳng định: “Mỗi bị cáo dù đã bị buộc tội có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo luật pháp tại một phiên toà xét xử công khai với mọi bảo đảm biện hộ cần thiết”.
Thể chế hóa quy định của Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người, khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Người bị buộc là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”. Đồng thời Công ước cũng nêu rõ: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội.

Quy định của pháp luật Việt Nam về suy đoán vô tội

Hiến pháp 2013 quy định tại Khoản 1 Điều 31:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” 

Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Đây là nội dung quan trọng của nguyên tắc suy đoán vô tội, nó khẳng định chỉ có tòa án mới có quyền tuyên bố một người nào đó là tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự, áp dụng hình phạt đối với họ mà không một ai hoặc cơ quan nào có quyền này dù đó là cơ quan điều tra hay cơ quan công tố. Trong thời đại ngày nay khi đề cập đến nội dung này có lẽ mọi người đều cho rằng đó là lẽ đương nhiên, không cần phải tranh luận, nhưng các đây vài trăm năm nó lại là điều cấm kỵ không được bàn luận dưới nhà nước phong kiến khi quyền lực tập trung trong tay nhà vua. Chỉ khi xuất hiện học thuyết phân quyền và nhà nước tư sản ra đời mới có sự phân biệt rạch ròi giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó đại diện cho quyền tư pháp là tòa án với chức năng xét xử, phán quyết một người có tội và phải chịu hình phạt hay không.

Khẳng định chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố một người là phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ đã đưa đến nhận thức và hành động mới mẻ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đó là sự khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm cũng như việc đối xử công bằng với người bị tình nghi phạm tội, nhất là trong việc áp dụng biện pháp bắt giữ, tạm giam và các biện pháp cưỡng chế khác.

Nội dung này của nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không được đối xử vói người bị tình nghi, người bị cáo buộc phạm tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án, không được coi người bị tình nghi, bị cáo buộc phạm tội là tội phạm dưới bất kỳ biểu hiện nào, mọi quyền con người của họ phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, họ chỉ bị hạn chế một phần quyền tự do thân thể trong giới hạn pháp luật quy định còn các quyền con người khác vẫn phải được tôn trọng.

Bản án kết tội của Tòa án phải có hiệu lực pháp luật thì một người mới bị coi là tội phạm và hình phạt áp dụng đối với họ mới được thi hành. Do vậy, vào thời điểm bản án kết tội chưa có hiệu lực pháp luật thì người bị kết tội vẫn chưa bị coi là người có tội.

Ngoài ra, nội dung này của nguyên tắc suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 còn chứa đựng khía cạnh pháp lý quan trọng khác, đó là, một người chỉ bị kết tội và bị áp dụng hình phạt thông qua thủ tục tố tụng hình sự khách quan, công bằng. Theo quy định này thì việc kết tội một người không qua thủ tục chứng minh của tố tụng hình sự hoặc có bất kỳ sự vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình chứng minh của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều không có giá trị buộc tội. Nội dung này nhấn mạnh yêu cầu về mặt thủ tục pháp lý, là dấu hiệu quan trọng nhất của chế độ pháp quyền, theo đó thủ tục công khai, minh bạch là đòi hỏi số một cho việc bảo vệ quyền con người chống lại sự truy bức tùy tiện. 

suy đoán vô tội
suy đoán vô tội

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội không có nghĩa vụ chứng minh nhưng có quyền đưa ra chứng cứ và các yêu cầu chứng minh họ không phạm tội hoặc có những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bản chất của nguyên tắc suy đoán vô tội còn được thể hiện ở nội dung thứ hai với quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội (cơ quan công tố hoặc tư tố) mà ở nước ta chỉ là những cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động đỉều tra do pháp luật nước ta không qui định tư tố. Đây cũng là nội dung mang tính tất yếu của ” suy đoán vô tội”, bởi khi muốn buộc tội một người thì bên buộc phải chứng minh khẳng định sự phạm tội của họ, bên bị buộc tội không thể và hoàn toàn không có nghĩa vụ chứng minh sự phạm tội của mình.

Do đó pháp luật tố tụng hình sự quy định người bị buộc tội không có trách nhiệm chứng minh tội phạm và không có trách nhiệm phải đưa ra các chứng cứ có tính chất buộc tội đối với mình đã phản ánh đúng quy luật khách quan phù hợp với tâm lý, tình cảm con người.

Mặc dù pháp luật tố tụng quy định người bị cáo buộc phạm tội không có nghĩa vụ chứng minh tội phạm nhưng điều đó không có nghĩa là người bị cáo buộc phạm tội rơi vào thế bị động trong quá trình giải quyết vụ án mà trái lại họ có quyền trực tiếp hoặc với sự hỗ trợ của người bào chữa thu thập chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc chứng minh cho các tình tiết làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với mình.

Bên cạnh đó luật tố tụng hình sự còn quy định người bị cáo buộc phạm tội có quyền đưa ra các yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình chứng minh giải quyết vụ án để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án, đến việc buộc tội đối với mình. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm xem xét, giải quyết những yêu cầu đó theo qui định của pháp luật, không được từ chối, bác bỏ các yêu cầu của người bị cáo buộc phạm tội nếu không có lý do chính đáng và căn cứ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người bị cáo buộc phạm tội cũng có quyền tự mình hoặc nhờ và cùng với người bào chữa đưa ra lý lẽ tranh luận với bên buộc tội về tất cả các các vấn đề, các tình tiết liên quan đến vụ án.

 Với quy định này hai yếu tố quan trọng đã được khẳng định:

– Trách nhiệm chứng minh tội phạm bao gồm cả việc chứng minh có tội và không có tội thuộc về các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

– Người bị tình nghi, cáo buộc phạm tội không có nghĩa vụ nhưng có quyền chứng minh sự vô tội và chứng minh các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với mình.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Nội dung này khẳng định chân lý khách quan thể hiện bản chất cốt lõi của nguyên tắc suy đoán vô tội “Tội không được chứng minh, đồng nghĩa với sự vô tội được chứng minh”.

Nội dung này của nguyên tắc suy đoán vô tội nhấn mạnh đến các khía cạnh sau:

– Việc buộc tội một người phải có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của họ và những chứng cứ này phải được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định;

– Nếu không thu thập đủ chứng cứ để buộc tội một cách thuyết phục thì không thể kết tội đối với người bị cáo buộc phạm tội.

– Khi đã không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Đây là hệ quả pháp lý và cũng là trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi không đủ căn cứ kết tội thì buộc phải tuyên không có tội đối vói người bị cáo buộc phạm tội.

Trên đây là một số vấn đề pháp lý về suy đoán vô tội theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, quý bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi để hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139