Chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu là chủ thể đặc biệt. Do vậy, pháp luật hình sự có quy định riêng về những người phải chịu trách nhiệm hính sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân.
Quy định chi tiết của pháp luật về Điều 392 Bộ luật hình sự 2015
Điều 392 Chương XXV Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) quy định về những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân như sau:
“Điều 392. Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân
1. Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng.
2. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện.
3. Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
4. Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội.”
Những người phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân tại Điều 392 Bộ luật Hình sự quy định chủ thể của tội phạm tại Chương XXV Bộ luật Hình sự gồm 04 chủ thể như sau:
Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng
Theo Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng số 98/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 quy định:
Quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ là quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ trong lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân.
Công nhân và viên chức quốc phòng là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, được tuyển chọn, tuyển dụng vào Quân đội nhân dân theo vị trí việc làm hoặc chức danh nghề nghiệp mà không thuộc diện được phong quân hàm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ.
Chủ thể này có vị trí, chức năng đặc biệt phục vụ quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
“Điều 3. Vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
Quân nhân chuyên nghiệp là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của quân đội.
Công nhân quốc phòng là lực lượng lao động chủ yếu thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo vị trí việc làm; thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở sản xuất, sửa chữa, cải tiến, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; bảo đảm, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác của quân đội.
Viên chức quốc phòng là thành phần chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo chức danh nghề nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, văn hóa, đơn vị quân y và đơn vị sự nghiệp khác thuộc Bộ Quốc phòng.”
Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện
Quân nhân chuyên nghiệp dự bị là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Đối tượng đăng ký tham gia quân nhân dự bị bao 03 đối tượng được quy định tại Điều 24:
“Điều 24. Đối tượng đăng ký quân nhân chuyên nghiệp dự bị
Quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ còn trong độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị quy định tại Điều 23 của Luật này.
Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.
Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa phục vụ tại ngũ, tốt nghiệp đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.”
Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu
Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2019 quy định khái niệm dân quân tự vệ là:
“Điều 2.
Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) gọi là tự vệ.”
Trong đó, dân quân tự về gồm 04 loại khác nhau:
– Dân quân tự vệ tại chỗ là lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là thôn) và ở cơ quan, tổ chức.
– Dân quân tự vệ cơ động là lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
– Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.
– Dân quân tự vệ biển là lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên không phải mọi thời điểm mà dân quân, tự vệ đều là chủ thể của các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Dân quân, tự vệ chỉ là chủ thể của các tội phạm kể trên trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội
Công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội là người được điều động vào phục vụ quân đội trong trường hợp đất nước có chiến tranh theo Lệnh tổng động viên hoặc Lệnh động viên cục bộ của Chủ tịch nước. Những công dân này tuy không được trao quân hàm, mặc quân phục nhưng phải phục tùng sự chỉ huy của người chỉ huy đơn vị quân đội và có nghĩa vụ, trách nhiệm như mọi quân nhân.
Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 392 BLHS năm 2015. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Công ty luật uy tín để được hỗ trợ nhanh nhất.