Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của công ty có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động của mỗi công ty. Chính vì vậy mà trước khi thành lập công ty, doanh nghiệp cần phải lưu ý về những vấn đề liên quan đến người đại diện theo pháp luật. Trong bài viết này, Công ty Luật Trần và Liên Danh sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin cần lưu ý về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật là gì ?

Người đại diện theo pháp luật là người đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mà không phải do các bên thoả thuận.

Người đại diện theo pháp luật là những người trong các trường hợp sau: cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đứng đầu của pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với pháp nhân; chủ hộ đối với hộ gia đình trong các giao dịch vì lợi ích chung của hộ, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình; tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác; những người khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn đại diện theo quy định luật dân sự

Thời hạn đại diện là khoảng thời gian mà trong đó người đại diện nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Thời hạn đại diện được xác định theo những căn cứ sau:

Thứ nhất, thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu văn bản ủy quyền, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều lệ của pháp nhân… có ấn định một thời hạn cụ thể thì thời hạn đại diện sẽ được xác định theo thời hạn đó.

Thứ hai, trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo căn cứ nêu trên thì thời hạn đại diện được xác định như sau:

Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó.

Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được ấn định một khoảng thời gian cố định. Đơn cử trong Bộ luật Dân sự hiện hành, lần đầu tiên ghi nhận thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện. Việc ấn định một khoảng thời gian cụ thể được áp dụng cho các quan hệ đại diện mà các bên không có thoả thuận về thời hạn, pháp luật cũng không có quy định, cũng không theo một giao dịch cụ thể thì sẽ tạo điều kiện để các bên ý thức được việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại diện cũng như tạo điều kiện để những người thứ ba ý thức trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Chấm dứt đại diện theo uỷ quyền

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau:

Một là, chấm dứt đại diện theo thỏa thuận của các bên. Đại diện theo ủy quyền sẽ chấm dứt khi các bên đạt được sự thỏa thuận về việc chấm dứt đại diện.

Hai là, thời hạn ủy quyền đã hết. Trong trường hợp các bên đã thỏa thuận cụ thể về thời hạn ủy quyền thì khi hết thời hạn này, việc ủy quyền sẽ chấm dứt.

Ba là, công việc được ủy quyền đã hoàn thành. Trong trường hợp việc ủy quyền nhằm mục đích thực hiện một công việc nhất định thì khi công việc đó hoàn thành, quyền đại diện cũng sẽ chấm dứt, kể cả khi chưa hết thời hạn ủy quyền mà các bên đã thỏa thuận.

Bốn là, người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền. Trong trường họp việc đại diện được hình thành từ họp đồng ủy quyền thì các bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền (đơn phương chấm dứt họp đồng ủy quyền) theo quy định của pháp luật. Khi một bên đơn phương chấm dứt uỷ quyền thì quan hệ uỷ quyền sẽ châm dứt kể từ thời điểm thông báo. Hậu quả pháp lý được giải quyết theo nội dung các bên thoả thuận từ trước.

Đặc biệt, nếu bên nào có lỗi dẫn đến đơn phương chấm dứt quan hệ uỷ quyền thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra. Còn trong trường hợp việc đại diện được hình thành từ Giấy ủy quyền thì về nguyên tắc chỉ bên ủy quyền mới có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền nếu như bên được uỷ quyền chưa thực hiện công việc;

Năm là, người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết hay người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại. Quan hệ ủy quyền gắn liền với nhân thân nên khi người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết thì quan hệ ủy quyền sẽ chấm dứt mà không được dịch chuyển cho những người thừa kế. Riêng đối với pháp nhân, khi hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức, giải thể và bị tuyên bố phá sản thì cơ chế đại diện được xác định theo quy định của pháp luật riêng biệt.

Tuy nhiên, đối với các trường họp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức thì quyền và nghĩa vụ của các pháp nhân bị hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi sẽ được chuyển sang pháp nhân mới (Điều 88, Điều 89, Điều 90, Điều 91, Điều 92 Bộ luật Dân sự năm 2015). Điều này có nghĩa, đại diện theo ủy quyền chỉ chấm dứt nếu pháp nhân chấm dứt tồn tại do bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản, còn trong những trường hợp còn lại, pháp nhân mới sẽ là người kế thừa quyền và nghĩa vụ của pháp nhân cũ;

Sáu là, năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của người đại diện không còn phù họp với giao dịch được xác lập, thực hiện. Trong quá trình thực hiện việc đại diện, nếu vì một lý do nào đó mà người đại diện là cá nhân bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người đại diện là pháp nhân thay đổi lĩnh vực, ngành nghề hoạt động dẫn đến năng lực pháp luật không còn phù hợp với giao dịch được xác lập, thực hiện thì đại diện theo ủy quyền sẽ chấm dứt. Bên cạnh đó, việc đại diện có thể chấm dứt theo các trường hợp riêng biệt mà pháp luật quy định riêng hoặc các chủ thể thoả thuận riêng căn cứ.

Sự chấm dứt đại diện theo uỷ quyền cũng sẽ làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này. Hậu quả pháp lý trong từng trường hợp chấm dứt sẽ theo sự thoả thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật, cụ thể theo hậu quả chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt giao dịch dân sự.

Chấm dứt đại diện theo pháp luật

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thông thường, đại diện theo pháp luật sẽ chấm dứt trong những trường hợp sau đây:

Một là, người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục. Cụ thể, nếu con đã thành niên, đủ 18 tuổi thì cha mẹ không còn là người đại diện theo pháp luật cho con.

Nếu người được đại diện là người bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi nhưng nay những căn cứ để tuyên bố người đó bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… không còn, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì những người này không cần đến người giám hộ nữa. Đồng nghĩa, người giám hộ không còn là người đại diện theo pháp luật cho những người này nữa;

Hai là, người được đại diện là cá nhân chết, người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại. Tương tự như đại diện theo ủy quyền, trong trường hợp người được đại diện là cá nhân chết, người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại do bị giải thể hoặc phá sản thì đại diện theo pháp luật cũng sẽ chấm dứt; và Ba là, các trường hợp riêng biệt khác nếu được các luật khác có quy định. Đại diện theo pháp luật chấm dứt cũng làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ đại diện đó và được giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.

Quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chức danh của người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Giám đốc, Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty,….

Đối với công ty TNHH 1 thành viên mà chủ sở hữu là tổ chức thì công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên thì công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Đối với công ty cổ phần, trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Số lượng người đại diện theo pháp luật

Cũng giống như Luật Doanh nghiệp 2014, Luật doanh nghiệp 2020 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có hơn một người đại diện theo pháp luật.

“2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Quy định này nhằm hướng tới việc tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật cho mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đây là một trong những nội dung thay đổi cơ bản so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 (công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần chỉ có duy nhất một người đại diện theo pháp luật). Đứng dưới khía cạnh đảm bảo quyền tự do kinh doanh, đây là một quy định mang tính đột phá trong việc cho doanh nghiệp toàn quyền quyết định số lượng người đại diện theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hội nhập nhanh hơn, tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật.

Đồng thời, quy định này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 1 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như đã nói trên sẽ bị vô hiệu hóa.

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật

Theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 thì người đại diện theo pháp luật có những trách nhiệm sau đây:

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.”

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ nêu trên.

Về nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật

Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật của công ty cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền

Hết thời hạn ủy quyền, người đại diện theo pháp luật chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác, thì:

– Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

– Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu bạn đọc còn vướng mắc về nội dung tư vấn trên của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ qua địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139