Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không

Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không

Nghỉ ngang là hành vi người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước cho người sử dụng lao động. Vậy trong những trường hợp này người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không? nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Trường hợp nào thì được coi là người lao động nghỉ việc ngang:

Nghỉ ngang là cách chỉ những người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định của pháp luật.

Cụ thể, có một vài trường hợp nghỉ ngang như:

– Nghỉ không báo trước theo các quy định đã ký kết trong hợp đồng lao động;

– Bất mãn với sếp nên tự ý nghỉ việc;

– Nghỉ đột xuất do tìm được việc làm mới tốt hơn;

– Nghỉ do chuyển nơi sinh sống mà không báo trước;

Theo khoản 1 Điều 35 của Bộ Luật Lao động 2019 quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải thực hiện thông báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian như sau:

– Ít nhất là 45 ngày nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất là 30 ngày nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn mà có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Ít nhất là 03 ngày làm việc nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn là dưới 12 tháng;

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì quy định về thời hạn báo trước được thực hiện như sau:

+ Ít nhất là 120 ngày đối với loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên

+ Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với loại hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

Như vậy, nếu như người lao động nghỉ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) mà không tuân thủ quy định về thời gian báo trước với người sử dụng lao động thì đó chính là người lao động nghỉ ngang.

Trừ trường hợp pháp luật quy định người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể như sau:

– Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc là không được bảo đảm điều kiện làm việc theo đúng thỏa thuận, trừ trường hợp được quy định tại Điều 29 của Bộ Luật Lao động;

– Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thỏa thuận, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ Luật Lao động;

– Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có những lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, đến danh dự; bị cưỡng bức lao động;

– Bị quấy rối tình dục ngay tại nơi làm việc;

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ Luật Lao động;

– Đủ tuổi nghỉ hưu theo đúng quy định tại Điều 169 của Bộ Luật Lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

– Người sử dụng lao động cung cấp các thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ Luật Lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Nếu như người lao động nghỉ việc là do gặp phải những trường hợp này thì sẽ không phải tuân thủ về quy định thời gian báo trước với người sử dụng lao động, khi đó người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải thỏa thuận với nhau để chấm dứt hợp đồng lao động.

Người lao động cần lưu ý tránh trường hợp nghỉ ngang để mình được hưởng các quyền lợi tối đa khi nghỉ việc và tránh việc bị phạt hợp đồng lao động.

Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:

– Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

+ Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

+ Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

–  Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật Việc làm 2013.

– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Chết.

Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không
nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không

Nghỉ việc ngang có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?

Tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 có quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định này thì những đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là những đối tượng sau:

– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật;

– Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

Như đã phân tích ở trên thì người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật chính là hành vi nghỉ ngang tại công ty. Chính vì thế, theo quy định của pháp luật thì người lao động nghỉ việc ngang sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Có được bảo lưu trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc ngang:

Như đã phân tích ở mục trên, người lao động khi nghỉ việc ngang thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động có được bảo lưu hay không hay là sẽ bị “mất” khi người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc ngang, vấn đề này cũng đã có khá nhiều người lao động quan tâm.

Tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có quy định về chi trả trợ cấp thất nghiệp, theo quy định này thì sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày mà người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng khoản trợ cấp thất nghiệp nhưng người lao động lại không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp và cũng không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi mà đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đó sẽ được xác định là không có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với lại số tiền trợ cấp thất nghiệp mà người lao động không đến nhận sẽ được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho những lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi mà đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Như vậy, quy định của pháp luật về bảo lưu hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ cần sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày người lao động hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động:

– Không đến nhận tiền trợ cấp thất nghiệp;

– Không thông báo bằng văn bản với tổ chức bảo hiểm xã hội nơi mà đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vậy theo quy định trên, người lao động nghỉ ngang sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp của đợt hưởng lần này. Tuy nhiên thì thời gian mà người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ không bị mất đi mà thời gian này sẽ được bảo lưu và cộng dồn làm căn cứ hưởng để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo khi đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Ví dụ: Chị Đào Thị N đang làm việc tại công ty Trách nhiệm hữu hạn X 03 năm (có đóng BHTN đầy đủ), nhưng do công việc cá nhân nên chị N đã nghỉ ngang tại công ty X. Theo quy định của pháp luật thì sau khi chị N nghỉ việc ngang tại công ty X thì chị N không thuộc trường hợp được nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên quá trình 03 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp của chị N sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội bảo lưu và được cộng dồn với quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp tiếp theo khi chị N tham gia lao động tại một doanh nghiệp khác. Sau khi chị N nghỉ việc tại nơi làm việc tiếp theo (có đóng bảo hiểm thất nghiệp), nếu như lần nghỉ việc tiếp theo này mà chị N có đủ điều kiện để nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp thì thời gian tính để được hưởng trợ cấp thất nghiệp của chị N sẽ bao gồm cả quá trình 03 năm mà chị N đã tham gia tại công ty X.

Trách nhiệm của người lao động khi nghỉ ngang:

Căn cứ theo Điều 40 của Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động khi họ nghỉ ngang, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:

– Người lao động sẽ không được nhận khoản tiền trợ cấp thôi việc (nếu có);

– Người lao động sẽ phải bồi thường cho người sử dụng lao động là nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động đã ký và một khoản tiền tương ứng với số tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;

– Người lao động phải hoàn trả cho người sử dụng lao động về khoản chi phí đào tạo bao gồm có các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho những người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, những chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học;

– Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì các chi phí đào tạo còn bao gồm có chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thắc mắc nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139