Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN qua mạng được thực hiện như thế nào? Các bước cần làm để quyết toán đó gồm như gì? Quyết toán thuế thu nhập cá nhân nộp ở đâu? Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ, hướng dẫn quyết toán thuế tncn một cách đơn giản nhất.
Thu nhập chịu thuế là gì?
Thu nhập chịu thuế là gì? Có thể hiểu thu nhập chịu thuế là tổng hợp các nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc các nguồn thu khác theo quy định pháp luật. Thu nhập chịu thuế chưa tính các khoản được miễn thuế, các khoản giảm trừ.
Thu nhập chịu thuế cá nhân là căn cứ xác định phần thuế phải nộp cho nhà nước khi đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật. Nộp thuế thu nhập cá nhân là nghĩa vụ của công dân. Việc đóng thuế từ các khoản thu nhập chịu thuế được hình thành từ hai mục đích chính sau:
– Góp phần làm tăng thêm thu nhập từ ngân sách nhà nước. Các khoản thuế này giúp cho hoạt động đầu tư vào các công trình công cộng, phát triển các hạng mục quốc gia hay đóng góp vào vấn đề an sinh xã hội.
– Giúp công bằng hóa xã hội, điều này trên thực tế có thể cũng thấy rất nhiều trường hợp trong một công ty có xuất hiện các mức lương của người lao động khác nhau, các công ty có nguồn thu nhập khác nhau. Pháp luật quy định mức thu nhập cụ thể để chịu thuế, nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Đối tượng nào phải nộp thu nhập chịu thuế?
Đối với trường hợp người có cư trú, không phân biệt trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nơi thu nhập để xác định các khoản thu nhập chịu thuế.
Trường hợp cá nhân không có cư trú, thu nhập chịu thuế được phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.
Các nguồn thu nhập chịu thuế là gì, và được quy định như thế nào? Theo pháp luật quy định nguồn thu nhập chịu thuế gồm các nguồn sau:
– Thu nhập nhận được từ việc kinh doanh, là nguồn thu nhập được từ các hoạt động sản xuất kinh doanh từ các lĩnh vực khác nhau thuộc các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh theo quy định; thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập trong lĩnh vực được cấp phép; từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp,…
– Thu nhập được nhận từ tiền lương, tiền công. Gồm các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nhận được từ người sử dụng lao động dưới hình thức tiền hoặc không bằng tiền. Cùng với các khoản phụ cấp và trợ và các khoản khác theo quy định của pháp luật.
– Thu nhập nhận từ đầu tư vốn. Nguồn vốn này được thu từ các hình thức sau:
+ Tiền lãi nhận được từ việc tổ chức kinh doanh, hộ gia đình,… thực hiện các hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…;
+ Cổ tức từ phần vốn góp trong công ty cổ phần;
+ Phần thu nhập được từ các phần lãi trái phiếu, tín phiếu,…
+ Các hình thức khác theo quy định cụ thể của pháp luật.
– Thu nhập nhận từ chuyển nhượng vốn. Là việc cá nhân nhận được từ các hình thức cơ bản sau:
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp từ công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, các tổ chức khác.
+ Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, căn cứ theo quy định của Luật chứng khoán và các quy định liên quan.
+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn từ các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
– Thu nhập nhận được từ chuyển nhượng bất động sản. Cá nhân nhận được khoản thu nhập từ hình thức khác nhau như: chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất; chuyển nhượng quyền thuê đất, quyền thuê mặt nước;…
– Thu nhập nhận được từ trúng thưởng. Là các khoản tiền hoặc hiện vật mà cá nhân được nhận được thông qua hình thức như: Trúng xổ số do các công ty phát hành; trúng thưởng trong các trường trình khuyến mại; trúng thưởng trong hình thức cá cược, đặt cược hợp pháp và một số hình thức khác.
– Thu nhập nhận được từ bản quyền. Là nguồn thu nhập khi cá nhân chuyển nhượng, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.
– Thu nhập nhận được từ nhượng quyền thương mại. Là nguồn thu từ hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được tự mình tiến hành một số hoạt động kinh doanh theo điều kiện của bên nhượng quyền tại hợp đồng nhượng quyền thương mại.
– Thu nhập nhận được từ thừa kế. Là nguồn thu nhập cá nhân nhận được tài sản từ theo di chúc hoặc theo quy định về luật thừa kế.
– Thu nhập nhận được từ quà tặng là việc cá nhân nhận được quà tặng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo các trường hợp cụ thể như: nhận quà tặng là chứng khoán; nhận quà tặng là phần vốn góp tại tổ chức kinh tế; quà tặng là bất động sản; và một số loại tài sản khác.
Các trường hợp phải quyết toán thuế TNCN
Theo quy định thì cá nhân PHẢI quyết toán thuế TNCN trong các trường hợp: có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế.
Để cắt giảm thủ tục hành chính cho người nộp thuế và giảm áp lực xử lý hồ sơ quyết toán cho cơ quan thuế, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH13 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định miễn thuế TNCN phải nộp thêm đối với cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.
Như vậy, các cá nhân này sẽ không phải nộp thêm thuế cũng như không phải thực hiện việc quyết toán thuế TNCN. Cá nhân thực hiện việc quyết toán thuế TNCN theo hình thức tự quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán cho tổ chức trả thu nhập theo quy định.
Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN
Hình thức quyết toán thuế tncn:
Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế trong các trường hợp sau:
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán thuế (bao gồm cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm) thì được ủy quyền quyết toán thuế tại tổ chức trả thu nhập đó đối với phần thu nhập do tổ chức đó chi trả, kể cả trường hợp cá nhân đồng thời có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
+ Trường hợp tổ chức trả thu nhập thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả. Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ – con, Trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên.
Nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.
Ví dụ 1: Năm 2020, Bà A có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động dài hạn tại Công ty X, đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác là 90 triệu đồng đã khấu trừ thuế TNCN 10%. Như vậy, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm 2020 của Bà A nhỏ hơn 10 triệu đồng (90 triệu đồng : 12 tháng = 7,5 triệu đồng/tháng), nếu Bà A thuộc diện phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì Bà A ủy quyền quyết toán thuế năm 2020 cho Công ty X. Công ty X chỉ quyết toán thuế thay Bà A đối với phần thu nhập do Công ty X trả.
– Cá nhân ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay theo mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, kèm theo bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).
Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu, nội dung trong danh sách.
Cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế
– Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên, nhưng thuộc diện phải quyết toán thuế TNCN theo quy định thì trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế trên toàn bộ thu nhập phát sinh trong năm, cụ thể một số trường hợp không ủy quyền quyết toán thuế TNCN như sau:
+ Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi) thì cá nhân không uỷ quyền quyết toán.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế.
Ví dụ 2: Năm 2020, Ông B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động trên 03 tháng tại Công ty M, tháng 3/2020 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty N là 20 triệu đồng đã khấu trừ thuế 10%, tháng 10/2020 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty K là 1,5 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế. Như vậy, trong năm 2020 Ông B có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế, nếu Ông B thuộc diện quyết toán thuế thì Ông B không ủy quyền quyết toán tại Công ty M, mà trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Trường hợp điều chỉnh sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế
Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.
Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, từ kỳ tính thuế năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với cá nhân khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
Đối với tổ chức trả thu nhập, thời hạn hộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ ba kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Đối với cá nhân, kể từ kỳ quyết toán thuế TNCN năm 2020, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đã được kéo dài trên 01 tháng so với quy định trước đây nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn hướng dẫn quyết toán thuế tncn một cách chi tiết và đầy đủ hơn Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.