Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Với nhu cầu lao động ngày càng cao từ thị trường lao động ngoài nước cùng với mong muốn đi làm việc ở nước ngoài của không ít lao động trong nước, các vấn đề xoay quanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quan tâm.

Bên cung cấp dịch vụ và người lao động cần hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, tránh xảy ra rủi ro trong quá trình đưa người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như cần tìm hiểu mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước khi thực hiện ký kết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Căn cứ pháp lý

– Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

– Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định mẫu và nội dung của Hợp đồng cung ứng lao động và Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là gì?

Hợp đồng cung ứng dịch vụ là thỏa thuận, theo đó một bên (bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận (quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Thương Mại 2005).

Căn cứ Thông tư 22/2013/TT-BLĐTBXH quy định về nội dung của hợp đồng cung ứng dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp với người lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm những hoạt động nào?

Theo quy định tại Điều 6 Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bao gồm các nội dung sau đây:

– Ký kết các hợp đồng liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Tuyển chọn lao động;

– Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

– Thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Các hoạt động khác của tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức sau đây:

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề;

– Hợp đồng cá nhân.

Hợp đồng cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để làm gì?

Hợp đồng cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được các bên xác lập nhằm ghi nhận thông tin các bên, thỏa thuận quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý giữa bên đưa người lao động sang nước ngoài và người lao động.

Hợp đồng vừa là 1 trong những căn cứ giúp người lao động có thể nhập cảnh hợp pháp vừa là giấy tờ chứng minh bên cung cấp dịch vụ không đưa người trái phép sang nước khác.

hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Mẫu hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___________

HỢP ĐỒNG ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

(Ban hành kèm theo Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/10/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)

Số…/HDDNLĐLVNN

Hôm nay, ngày…tháng…năm…tại…., chúng tôi gồm:

Doanh nghiệp/Tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài:(1)… (sau đây gọi là Bên đưa đi)

Địa chỉ…

Số điện thoại….

Số fax…

Người đại diện…

Chức vụ…

Ông/Bà (1) ………(sau đây gọi là Người lao động)

Ngày, tháng, năm sinh:…

Số chứng minh nhân dân: ….ngày cấp…nơi cấp…

Hộ khẩu thường trú:…

Số Hộ chiếu….ngày cấp….nơi cấp….

Địa chỉ báo tin tại Việt Nam:….

Người được báo tin: ….

Hai Bên thỏa thuận và ký kết thực hiện các điều khoản hợp đồng sau đây:

Điều 1: Điều khoản chung

Căn cứ vào Hợp đồng cung ứng lao động số …. ngày … ký với …., Bên đưa đi đưa người lao động đi làm việc tại…. với thời hạn và công việc cụ thể như sau:

– Thời hạn của hợp đồng lao động: … tháng … năm (tính từ thời điểm người lao động nhập cảnh vào …);

– Công việc:…….;

– Nơi làm việc:……;

– Doanh nghiệp/Người sử dụng lao động: … (Tên Doanh nghiệp/Người sử dụng lao động, tên người đại diện theo pháp luật, chức danh, địa chỉ);

Điều 2: Quyền và nghĩa vụ của người lao động

2.1. Tham gia đầy đủ khóa đào tạo nghề … (Bên đưa đi điền tên nghề) trong thời gian … (ngày). Chi phí cho khóa đào tạo nghề do… (Bên đưa đi điền người lao động/doanh nghiệp) chi trả (nếu có);

2.2. Tham gia đầy đủ khóa đào tạo tiếng … (doanh nghiệp điền tên ngoại ngữ cần đào tạo) trong thời gian…. (ngày). Chi phí đào tạo ngoại ngữ do… (doanh nghiệp điền người lao động/doanh nghiệp) chi trả (nếu có);

2.3. Tham gia đầy đủ khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức; trong thời gian… (ngày), đảm bảo thời lượng 74 tiết, kiểm tra đạt kết quả và được cấp chứng chỉ. Chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết là….do (doanh nghiệp điền người lao động/doanh nghiệp) chi trả;

2.4. Đóng các chi phí:

– Tiền dịch vụ (nếu có):

+ Mức tiền dịch vụ: … / hợp đồng… năm

+ Tiến độ thanh toán:…

– Tiền môi giới (nếu có):

+ Mức tiền môi giới: … / hợp đồng… năm

+ Tiến độ thanh toán:…

– Các chi phí khác (nếu có):

+ Tiền làm hộ chiếu, xin visa: …

+ Vé máy bay: …

+ Tiền khám sức khỏe: …

+ Học phí học ngoại ngữ: …

+ Học phí bồi dưỡng nâng cao tay nghề: …

+ Học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết: …

+ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước: …

Tng cộng:…

2.5. Ký kết và thực hiện hợp đồng lao động với Người sử dụng lao động;

2.6. Thời gian thử việc (nếu có):

Thời hạn thử việc là … tháng.

Trong hoặc sau thời gian thử việc, nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc theo yêu cầu của Doanh nghiệp sử dụng lao động, Bên đưa đi sẽ thống nhất với người lao động về việc … (cùng với Doanh nghiệp sử dụng lao động bố trí cho người lao động một công việc khác với mức lương phù hợp hoặc đưa người lao động về nước bằng chi phí của…).

Việc thống nhất sẽ được lập thành văn bản tại thời điểm người lao động và Bên đưa đi thỏa thuận và là một phần không thể tách rời của hợp đồng này.

2.7. Thời gian làm việc, nghỉ ngơi:

Thời gian làm việc: …. giờ/ngày, …. ngày/tuần theo quy định của Luật…. Ngoài thời gian này được tính là thời gian làm thêm giờ.

Người lao động được nghỉ … ngày lễ theo quy định của Luật….., đó là các ngày:……(1/1, Quốc Khánh….)

Ngoài ra, người lao động được nghỉ … ngày phép có hưởng lương hàng năm theo quy định của Luật….

2.8. Tiền lương, tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản khấu trừ (nếu có):

Tiền lương: …. (tiền lương trong thời gian thử việc là …/tháng)

(Trong các trường hợp đặc biệt, lao động là thuyền viên, hoặc các nước tiếp nhận lao động có quy định về tiền lương cơ bản theo năm thì hai Bên có thể thỏa thuận ghi rõ những nội dung này vào hợp đồng)

Tiền làm thêm giờ:

Các khoản tiền thưởng/phụ cấp (chuyên cần, hỗ trợ ăn, ở, ca kíp,….):

Các khoản khấu trừ từ lương:

Hình thức trả lương:

Ngày trả lương:

2.9. Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt:

Người lao động được Công ty sử dụng lao động/Bên Tiếp nhận cung cấp (miễn phí hoặc có phí) chỗ ở và được cung cấp (miễn phí hoặc có phí)……… bữa ăn hoặc các thiết bị (điện, gas,…), dụng cụ nấu ăn cần thiết để tự nấu ăn.

2.10. Bảo hiểm:

Người lao động được tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn …. theo quy định của ….

2.11. Trang thiết bị bảo hộ lao động:

Người lao động được cung cấp (miễn phí/có phí) theo từng vị trí công việc theo Luật… và quy chế của Doanh nghiệp sử dụng lao động.

2.12. Phí giao thông:

Phí giao thông từ Việt Nam đến nước tiếp nhận lao động do… chi trả.

Phí giao thông từ nước tiếp nhận lao động về Việt Nam sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng do… chi trả.

Trường hợp lao động phải về nước trước hạn do lỗi của… thì chi phí vé máy bay về nước do… chi trả.

2.13. Trường hợp ốm đau, thương tật, tử vong:

Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định pháp luật…

Trường hợp ốm đau, thương tật, tử vong hoặc phải về nước trước hạn người lao động được hưởng khoản hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước.

2.14. Trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đến doanh nghiệp để thực hiện thanh lý hợp đồng này. Nếu người lao động không đến thanh lý hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 3: Quyền và nghĩa vụ của Bên đưa đi

3.1. Thu các khoản tiền nêu trong Điểm 2.4 Điều 2 của Hợp đồng này;

3.2. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, đảm bảo thời lượng 74 tiết theo quy định, tổ chức hoặc liên kết với cơ sở đào tạo để dạy nghề, bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động;

3.3. Làm các thủ tục xuất, nhập cảnh hợp pháp, đúng mục đích cho người lao động;

3.4. Đảm bảo người lao động được ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động với các điều khoản phù hợp với hợp đồng này;

3.5. Hướng dẫn và tổ chức cho người lao động xuất, nhập cảnh, đến nơi làm việc và trở về theo đúng hợp đồng đã ký;

3.6. Phối hợp với Bên tiếp nhận và Người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động trong việc gửi tiền lương và các khoản thu nhập hợp pháp của người lao động về Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật;

3.7. Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài;

3.8. Hỗ trợ người lao động về các thủ tục để được hưởng các quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước theo quy định và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước;

3.9. Bồi thường cho người lao động, người bảo lãnh về những thiệt hại do Bên đưa đi gây ra theo quy định của pháp luật;

3.10. Yêu cầu người lao động hoặc người bảo lãnh bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra (nếu có). Mức độ bồi thường theo thực tế và theo pháp luật của Việt Nam;

3.11. Đơn phương thanh lý Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 4: Thời gian xuất cảnh

Bên đưa đi cam kết đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian .…ngày/tháng kể từ khi ký hợp đồng này.

Trong thời gian Bên đưa đi đã cam kết, nếu người lao động không đi làm việc ở nước ngoài nữa thì Bên đưa đi trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà Bên đưa đi đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí học nghề, học ngoại ngữ (nếu có) và chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa).

Nếu quá thời gian đã cam kết mà Bên đưa đi vẫn chưa đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì phải thông báo rõ lý do cho người lao động. Trường hợp người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày người lao động thông báo không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, Bên đưa đi phải hoàn trả cho người lao động hồ sơ, các khoản chi phí mà người lao động đã nộp cho Bên đưa đi, gồm: chi phí làm hồ sơ, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí học nghề, học ngoại ngữ (nếu có), chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa), vé máy bay, tiền dịch vụ, tiền môi giới và làm thủ tục hoàn trả tiền ký quỹ cho người lao động.

Điều 5: Điều khoản bồi thường (phạt) hợp đồng

Các trường hợp sau đây được coi là gây thiệt hại cho hai Bên ký kết hợp đồng và Bên gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường cho Bên bị thiệt hại với mức bồi thường cụ thể như sau:

– Người lao động bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài:… mức bồi thường:…

– Bên đưa đi không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng cam kết; người lao động không được bố trí làm đúng việc, trả lương đúng như đã cam kết dẫn đến lao động bỏ việc, yêu cầu giải quyết về nước sớm trước thời hạn.

Điều 6: Thanh lý hợp đồng

6.1. Hai Bên thanh lý hợp đồng trong các trường hợp sau:

– Người lao động không còn nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài;

– Bên đưa đi không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

– Người lao động về nước;

– Người lao động vi phạm hợp đồng lao động và tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

6.2. Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, hai Bên sẽ xem xét việc thỏa thuận thanh lý hợp đồng, cụ thể như sau:

– Trong trường hợp bất khả kháng không thể tiếp tục thực hiện Hợp đồng (như xảy ra chiến tranh, thiên tai và các sự kiện khác nằm ngoài khả năng kiểm soát hợp lý của các Bên), hai bên sẽ cùng nhau giải quyết những vấn đề còn tồn tại và Bên đưa đi sẽ xem xét khả năng hỗ trợ cho lao động trên cơ sở những quy định hiện hành của pháp luật;

– Trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng và về nước trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động, Bên đưa đi có trách nhiệm trả các khoản tiền theo quy định và bồi thường cho người lao động theo thỏa thuận (nêu cụ thể với trường hợp chưa làm đủ 1/2 thời gian và trường hợp quá 1/2 thời gian hợp đồng);

– Trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng và phải về nước trước thời hạn do lỗi của người lao động gây ra, người lao động có trách nhiệm bồi thường người sử dụng lao động và/hoặc Bên tiếp nhận lao động và Bên đưa đi về những thiệt hại do họ gây ra.

Điều 7: Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp

7.1. Hợp đồng này được giải thích và điều chỉnh theo luật pháp Việt Nam.

7.2. Mọi tranh chấp phát sinh trên cơ sở Hợp đồng này sẽ được giải quyết trước hết bằng thương lượng giữa hai Bên theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

7.3. Trường hợp tranh chấp không giải quyết được thông qua thương lượng thì sẽ đưa ra …. để giải quyết theo quy định của pháp luật…

Hợp đồng này làm tại …. ngày …. tháng …. năm, được lập thành …. bản bằng tiếng Việt mỗi Bên giữ …. bản để theo dõi và thực hiện.

 Đại diện Bên đưa đi                                                    Người lao động

Những lưu ý trong quá trình soạn thảo hợp đồng:

Căn cứ vào tên Hợp đồng cũng như mục đích của Hợp đồng để ghi rõ, cụ thể các bên giao kết, ở đây là Bên đưa đi và Người lao động

Ngoài ra, còn căn cứ vào chủ thể giao kết Hợp đồng để liệt kê cho chính xác. Cụ thể:

– Nếu chủ thể giao kết là tổ chức, pháp nhân thì phải ghi rõ thông tin của pháp nhân đó kèm thông tin về người đại diện, chức vụ, số fax, số điện thoại.

– Nếu chủ thể giao kết là cá nhân thì ghi các nội dung: Họ và tên, năm sinh, CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (có thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp), địa chỉ hộ khẩu, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, địa chỉ báo tin, người được báo tin.

– Điều khoản chung và Quyền và nghĩa vụ của người lao động: Dựa vào Hợp đồng cung ứng dịch vụ lao động đã ký kết, các bên điền chính xác thời hạn hợp đồng, công việc cụ thể, nơi làm việc, số tiền dịch vụ, tiền môi giới và các khoản chi phí khác cần đóng, tiền lương được hưởng, các khoản trợ cấp và phí được hưởng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và các vấn đề pháp lý liên quan.

Nếu bạn đọc còn thắc mắc xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Hotline để được tư vấn nhanh chóng và tốt nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139