Có nên lấy bảo hiểm thất nghiệp?

có nên lấy bảo hiểm thất nghiệp

Tôi đã tham gia đầy đủ bảo hiểm bắt buộc ở công ty được 4 năm và tôi mới vừa nghỉ việc. Nay tôi muốn làm thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng tôi còn băn khoăn. Xin hỏi, tôi có nên lấy bảo hiểm thất nghiệp không?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng Luật Trần và Liên Danh. Sau đây, chúng tôi xin cung cấp thông tin để bạn đọc có thể hiểu rõ về vấn đề có nên lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp không?

 

4 lý do nên lấy bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp là một khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động giải quyết tình trạng thất nghiệp. Đây được coi là một chiếc phao cứu sinh  giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Trong thời gian người lao động chưa kiếm được việc làm, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần thu nhập, tạo cơ hội cho người lao động học nghề và tìm kiếm công việc mới.

Dưới đây, chúng tôi cung cấp 04 lý do để người lao động có thể hiểu rõ hơn và không làm lỡ mất quyền lợi của mình khi tham gia đóng tại doanh nghiệp trước đây:

Thứ nhất, bạn sẽ được hưởng trợ cấp khi đang không có việc làm. Đối với người lao động đã tham gia đóng từ 12 đến 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc họ sẽ được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, từ năm tiếp theo cứ tham gia đủ 12 tháng đóng bảo hiểm tại doanh nghiệp thì sẽ được hưởng 01 tháng trợ cấp thất nghiệp; mức hưởng mỗi tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương của 06 tháng liền kề họ tham gia đóng bảo hiểm.

Như vậy, trong thời gian khó khăn khi chưa tìm được việc làm mới, trợ cấp thất nghiệp sẽ là một khoản hỗ trợ rất thiết thực và ý nghĩa để giúp người lao động trang trải một phần cuộc sống.

Có nên lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp không?

Thứ hai, người lao động sẽ được giới thiệu việc làm khi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động chưa tìm được việc làm mới sẽ được hỗ trợ miễn phí công việc mới. Các công việc được giới thiệu sẽ dựa trên kinh nghiệm làm việc và nhu cầu của người lao động.

Thứ ba, được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, với chính sách toàn dân tham gia bảo hiểm y tế thì đây sẽ là một ý nghĩa to lớn của trợ cấp thất nghiệp. Bởi lẽ, khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp thẻ bảo hiểm y tế dành cho đối tượng là người lao động sẽ chấm dứt thời hạn sử dụng và buộc người lao động lúc này sẽ phải tham gia theo mã của một đối tượng khác với mức đóng 100%. Do đó, nếu được hưởng cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ cấp một mã thẻ bảo hiểm y tế mới do quỹ bảo hiểm xã hội đóng để sử dụng trong khi đi khám chữa bệnh thay vì phải tự mình tham gia mua bảo hiểm tự nguyện theo hộ gia đình.

Thứ tư, được hỗ trợ học nghề khi hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu người lao động có nhu cầu học nghề thì sẽ được nhà nước hỗ trợ theo quy định. Mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Thời gian học nghề không vượt quá  06 tháng.

Như vậy, chỉ với mức đóng 2% của người lao động và người sử dụng lao động, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, người lao động có thể nhận được rất nhiều những giá trị to lớn từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp này.

2 lý do không nên lấy bảo hiểm thất nghiệp

Dù được coi là chiếc phao cứu sinh cho đang thất nghiệp; song có những trường hợp người lao động nên suy xét việc không lãnh khoản trợ cấp này. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, bảo lưu thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp cộng dồn cho lần sau nếu bạn chuẩn bị có việc làm mới. Nếu người lao động có kế hoạch tìm việc làm mới luôn sau khi nghỉ việc ở công ty cũ thì họ nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cộng dồn cho lần sau. Người lao động sẽ không còn là đối tượng để lãnh trợ cấp thất nghiệp kể từ khi hợp đồng lao động với công ty mới phát sinh hiệu lực. Do đó, để tránh phát sinh việc vừa tham gia đóng bảo hiểm vừa lãnh thất nghiệp thì người lao động nên chủ động thực hiện bảo lưu và toàn bộ thời gian được bảo lưu sẽ được cộng dồn với thời gian khi họ đóng ở doanh nghiệp mới.

Thứ hai, người lao động không nên lấy bảo hiểm thất nghiệp là khi họ nghỉ việc chờ hưởng lương hưu luôn. Thực tế người lao động vẫn có thể hưởng bảo hiểm thất nghiệp rồi lãnh tiếp chế độ hưu trí. Tuy nhiên, người lao động nên ngay lập tức làm hồ sơ để hưởng chế độ hưu trí do các chế độ phúc lợi sẽ cao hơn rất nhiều so với trợ cấp thất nghiệp như mức hưởng trợ cấp hàng tháng cao hơn; mức hưởng thẻ bảo hiểm y tế cho người về hưu là 95% – cao hơn mức 80% của người lãnh thất nghiệp; thời gian thủ tục giải quyết nhanh hơn; tránh việc đi khai báo nhiều lần…

Tựu chung lại, người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội  sẽ được hưởng rất nhiều các chế độ và việc nên xem xét ưu tiên lựa chọn các chế độ hưởng như thế nào cho phù hợp cũng rất quan trọng.

Đối với trường hợp của chị với thời gian tham gia đóng bảo hiểm  được 04 năm chị có thể làm hồ sơ để lãnh bảo hiểm thất nghiệp nếu đã đủ điều kiện và chưa có dự kiến tìm việc làm mới.

có nên lấy bảo hiểm thất nghiệp
có nên lấy bảo hiểm thất nghiệp

Quy định về số lần được hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Hiện nay toàn bộ văn bản pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp không giới hạn số lần được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp lấy mấy lần hay không sẽ phụ thuộc vào việc có thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật việc làm và khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Theo đó điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

  • Người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng);
  • Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có thời hạn; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Nộp hồ sơ hưởng trợ cấp đúng thời hạn (trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động ghi trên quyết định nghỉ việc);
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ một số trường hợp tại Khoản 4 Điều 49 Luật việc làm 2013 như người lao động chết, đi nghĩa vụ quân sự, ra nước ngoài định cư…
  • Có tháng liền kề trước tháng nghỉ việc có tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, người lao động dù đã từng hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ những điều kiện trên là được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bảo hiểm thất nghiệp được lấy mấy lần?

Như vậy, theo quy định hiện hành của Pháp luật về bảo hiểm thì người lao động không bị giới hạn số lần hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Điều này có nghĩa là nếu người lao động đã hưởng trợ cấp BHTN trước đó thì bạn vẫn sẽ được hưởng BHTN lần tiếp theo nếu bạn đã đủ điều kiện hưởng trợ cấp BHTN theo quy định như trên. Tuy nhiên, thời gian người lao động đóng BHTN được tính cho lần hưởng trợ cấp BHTN tiếp theo sẽ không tính những năm người lao động đã hưởng BHTN trước đó mà sẽ tính lại từ đầu.

Kết quả hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm những gì?

Sau khi người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định của Luật việc làm 2013, nộp hồ sơ hưởng BHTN, Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu của Bộ lao động, thương binh và xã hội quy định và trao trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện nếu nộp hồ sơ qua bưu điện.

Kết quả hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ bao gồm:

  • Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu của Bộ lao động, thương binh và xã hội quy định;
  • Sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận của Trung tâm dịch vụ việc làm sau khi có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Thẻ bảo hiểm y tế với đối tượng là người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng theo đúng quyết định được cấp.

Lưu ý: trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm cần có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Thời gian giải quyết hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì đến trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Nghị định 28/2015.

Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ bảo hiểm xã hội có xác nhận trả cho người lao động.

Khi đó, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động sẽ tính từ ngày thứ 16 hàng tháng kể từ ngày nộp hồ sơ.

Như vậy, sau 20 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ và hồ sơ hợp lệ, người lao động sẽ được nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp và tiến hành khai báo tình trạng việc làm tháng đầu tiên.

Thời gian trả kết quả hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Trong trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chi trả tiền trợ cấp tháng đầu cho người lao động kèm theo thẻ bảo hiểm y tế.

Hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.

Bên cạnh đó, Điều 19 Nghị định này còn nêu rõ, hàng tháng, người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Tóm lại, sau 25 ngày làm việc kể từ khi nộp hồ sơ, người lao động đã có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đầu tiên. Trợ cấp của các tháng tiếp theo sau sẽ được chi trả trong vòng 07 đến 12 ngày làm việc trở đi tính từ ngày khai báo tình trạng tìm kiếm việc làm theo đúng ngày hẹn ghi trong Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139