Chức năng của nhà nước

chuc nang cua nha nuoc

Chức năng nhà nước được hiểu là hoạt động nhà nước mang tính cơ bản nhất, thường xuyên, liên tục, ổn định nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu cơ bản của nhà nước, có ý nghĩa quyết định sự tồn tại, phát triển của nhà nước.

Khái niệm chức năng nhà nước

Chức năng của nhà nước là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước thể hiện bản chất nhà nước và nhằm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trước nhà nước trong giai đoạn phát triển cụ thể.

Chức năng của Nhà nước bao gồm các đặc điểm sau: (i) Chức năng nhà nước không phải là những hoạt động cụ thể riêng biệt của nhà nước mà là sự khái quát hóa 1 số hay 1 nhóm hoạt động của nhà nước. (ii) Không thể xác định chức năng nhà nước theo hoạt động của nhà nước. (iii) Nhiệm vụ là những mục tiêu nhà nước cần đạt tới, vấn đề đặt ra cần giải quyết. Mục tiêu là những kết quả cần đạt tới, xác định trước, thể hiện ý chỉ chủ quan. Vấn đề khách quan đặt ra cần được nhà nước giải quyết, không phụ thuộc vào y chí chủ quan con người.

Nhà nước có những chức năng cơ bản nào?

Căn cứ vào phạm vi hoạt động của nhà nước, chức năng của nhà nước được phân thành các chức năng cơ bản như đối nội và các chức năng đối ngoại:

– Các chức năng đối nội của nhà nước:

Chức năng đối nội của nhà nước là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước trong quan hệ với các cá nhân, tổ chức trong nước, chẳng hạn chức năng kinh tế, chức năng xã hội, chức năng trấn áp, chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

– Các chức năng đối ngoại của nhà nước:

Chức năng đối ngoại của nhà nước là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước trong quan hệ với các quốc gia, dân tộc khác, chẳng hạn chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược, chức năng phòng thủ, bảo vệ đất nước, chức năng thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế.

Căn cứ vào hoạt động của nhà nước trong các lĩnh vực xã hội, chức năng của nhà nước được phân theo từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, tương ứng mỗi lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội là một chức năng của nhà nước. Chẳng hạn:

– Chức năng kinh tế: 

Đây là chức năng của mọi nhà nước. Nhà nước thực hiện chức năng này nhằm củng cố và bảo vệ cơ sở tồn tại của nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế.

– Chức năng xã hội: 

Đó là toàn bộ hoạt động của nhà nước trong việc tổ chức và quản lí các vấn đề xã hội của đời sống như vấn đề về môi trường, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, thu nhập của người dân, phòng chống thiên tai… Đây là các hoạt động góp phần củng cố và bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định, phát triển an toàn và hài hoà của toàn xã hội.

– Chức năng trấn áp:

Trong điều kiện có đấu tranh giai cấp, chức năng trấn áp sự phản kháng của giai cấp bị trị là rất cần thiết nhằm bảo vệ sự tồn tại vững chắc của nhà nước, bảo vệ lợi ích về mọi mặt của giai cấp thống trị.

– Chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược:

Đây là chức năng đặc trưng của các nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản giai đoạn chủ nghĩa đế quốc trở về trước. Các nhà nước đó thực hiện chức năng này nhằm xâm chiếm và mở rộng lãnh thổ, bóc lột nhân dân cũng như áp đặt sự nô dịch đối với các dân tộc khác.

– Chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội: 

Đây là chức năng của các nhà nước nói chung. Thực hiện chức năng này, nhà nước phải sử dụng nhiều biện pháp, nhất là các biện pháp pháp lí nhằm phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, đảm bảo ổn định, trật tự xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.

– Chức năng bảo vệ đất nước: 

Đây là chức năng của mọi nhà nước. Trước đây, nhiều nhà nước thường phát động chiến tranh xâm lược nước khác, ngày nay, nhiều nhà nước vẫn tìm cách áp đặt ý chí của mình đối với nước khác. Trong điều kiện đó, các nhà nước phải thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ đất nước, chống lại các cuộc chiến nanh xâm lược cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác từ bên ngoài.

– Chức năng quan hệ với các nước khác: 

Các nhà nước thực hiện chức năng này nhằm thiết lập các quan hệ kinh tế, chính trị, văn hoá… với các quốc gia khác để trước hết phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục… trong nước, qua đó có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề có tính chất quốc tế.

Ngoài các cách phân loại nêu trên, chức năng nhà nước còn có thể được phân loại theo những căn cứ khác. Chẳng hạn, dựa vào bản chất của nhà nưóc, chức năng của nhà nước được phân chia thành các chức năng thể hiện tính giai cấp và các chức năng thể hiện tính xã hội; dựa vào mục đích thực hiện, chức năng của nhà nước được chia thành chức năng cai trị và chức năng phục vụ; dựa vào hình thức thực hiện, chức năng của nhà nước được chia thành chức năng lập pháp, chức năng hành pháp, chức năng tư pháp…

Phân tích chức năng nhà nước

Chức năng đối nội của nhà nước

Chức năng đối nội là những mặt hoạt động chủ yếu của nhà nước trong nội bộ đất nước.

Ví dụ: Đảm bảo trật tự xã hội, trấn áp những phần tử chống đối chế độ, bảo vệ chế độ kinh tế … là những chức năng đối nội của các nhà nước.

(i) Chức năng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đây là một trong những chức năng căn bản nhất của nhà nước ta. Muốn tiến hành sự nghiệp đổi mới thuận lợi, Nhà nước ta phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn bộ đất nước. Nhà nước phải có đủ sức mạnh và kịp thời đập tan mọi âm mưu chống đối của các thế lực thù địch, đảm bảo điều kiện ổn định cho Nhân dân sản xuất kinh doanh. Muốn vậy, Nhà nước phải quan tâm xây dựng các lực lượng an ninh, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời phải “phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tính tích cực cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân, phối hợp lực lượng quốc phòng và an ninh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb.ST, H1991, tr.87).

(ii) Chức năng bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Đây là một trong những chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam quan trọng; bởi vì, việc thực hiện chức năng này thể hiện trực tiếp bản chất của nhà nước kiểu mới, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, việc thực hiện chức năng này sẽ đảm bảo sức mạnh của Nhà nước trong việc thực hiện tất cả các chức năng khác của Nhà nước, quan hệ đến sự tồn tại, phát triển của bản thân Nhà nước và chế độ. Đảng ta nhấn mạnh “Nhà nước có mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân”(Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.ST, H.1991, tr19).

(iii) Chức năng bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Đây là chức năng, nhiệm vụ của nhà nước xã hội chủ nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện tất cả các chức năng khác của Nhà nước. Pháp luật là phương tiện quan trọng để Nhà nước tổ chức thực hiện có hiệu quả tất cả các chức năng của mình, do đó, bảo vệ trật tự pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Mục đích của chức năng này là nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, thực hiện quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng pháp luật.

chuc nang cua nha nuoc
chức năng của nhà nước

(iv) Chức năng tổ chức và quản lý kinh tế.

Tổ chức và quản lý nền kinh tế đất nước, xét đến cùng là chức năng hàng đầu và là cơ bản nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng mọi xã hội dựa trên cơ sở vật chất và kỹ thuật phát triển cao.

Nhà nước ta là người đại diện cho ý chí, quyền lực của Nhân dân lao động, là người chủ sở hữu đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu; là người nắm trong tay các công cụ, phương tiện quản lý (chính sách, kế hoạch, pháp luật, tài chính, ngân hàng…) và quản lý việc sử dụng tài sản quốc gia. Trên cơ sở đó, Nhà nước có đủ điều kiện để tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trong nước cũng như hợp tác quốc tế.

(v) Chức năng tổ chức và quản lý văn hóa, khoa học, giáo dục.

Xã hội mới mà Nhân dân ta đang xây dựng là xã hội do Nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển trên cơ sở một nền khoa học và công nghệ tiên tiến; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Muốn xây dựng xã hội đó, Nhà nước ta phải tổ chức, quản lý sự nghiệp giáo dục đào tạo, văn hóa, phát triển khoa học và công nghệ. Đó là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, phát huy vai trò then chốt của khoa học và công nghệ. Đó là những động lực trực tiếp của sự phát triển, tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các chức năng khác của Nhà nước vừa nhằm tổ chức quản lý văn hóa, khoa học, giáo dục vừa nhằm thực hiện những nhiệm vụ kinh tế xã hội. Trước mắt, cần chuẩn bị cho đất nước bước vào những giai đoạn phát triển tiếp theo trong tương lai, hòa nhập với sự phát triển của nền văn minh thế giới.

Chức năng đối ngoại của nhà nước

Chức năng đối ngoại thể hiện vai trò của nhà nước trong quan hệ với các nhà nước và dân tộc khác.

Ví dụ: Phòng thủ đất nước, chống xâm lược từ bên ngoài, thiết lập các mối bang giao với các quốc gia khác …

Nhà nước ta thực hiện chức năng đối ngoại nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với phong trào cách mạng thế giới. Đảng ta nhấn mạnh: “Mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân loại thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb.ST, H.1991, tr19).

(i) Chức năng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tất cả chức năng đối nội của nhà nước chỉ có thể được triển khai thực hiện tốt khi Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Vì vậy, bảo vệ Tổ quốc là chức năng cực kỳ quan trọng nhằm giữ gìn thành quả cách mạng, bảo vệ công cuộc xây dựng hòa bình của nhân dân, tạo điều kiện ổn định triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

(ii) Chức năng củng cố, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước khác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Tư tưởng chỉ đạo thực hiện chức năng này của Nhà nước ta là, trên cơ sở kiên trì đường lối độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, “nhiệm vụ đối ngoại bao trùm trong thời gian tới là giữ vững hòa bình, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”

 (iii) Chức năng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chống chính sách gây chiến và chạy đua vũ trang, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của mỗi nước phụ thuộc vào nhiều vào cộng đồng thế giới. Vì vậy, bất cứ nhà nước tiến bộ nào cũng đều có nghĩa vụ ủng hộ phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam không tách rời sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới. Ngày nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Luật Trần và Liên Danh về vấn đề Nêu các chức năng của nhà nước. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139