Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

Quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp: Khái niệm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, căn cứ áp dụng, thẩm quyền áp dụng, thủ tục áp dụng,…..

Khái niệm giữ người trong trong trường hợp khẩn cấp

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp là biện pháp ngăn chặn mang tính cấp bác, khi xác định một người đang chuẩn bị thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đã thực hiện tội phạm mà nếu xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Như vậy việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải có tài liệu, chứng cứ của các cơ quan có thẩm quyền khẳng định một người nào đó có các hành vi chuẩn bị thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc bị nghi là thực hiện tội phạm và họ có biểu hiện trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ, làm giải chứng cứ.

Hành vi dang chuẩn bị thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc các hành vi trốn tránh pháp luật, tiêu hủy chứng,….là những dấu hiệu thể hiện tính cấp bách của biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp vì nếu không kịp thời ngăn chặn thì tội phạm có thể xảy ra và người thực hiện tội phạm đó có thể trốn trách pháp luật, chứng cứ, dấu vết tội phạm bị xóa bỏ.

Căn cứ áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về các trường hợp có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể như sau:

– Khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn. Đây là trường hợp tội phạm đã xảy ra, người phạm tội không bị bắt ngay khi thực hiện tội phạm nên đã bỏ đi nơi khác, người cùng thực hiện tội phạm nên đã bỏ đi nơi khác, người cùng thực hiện tội phạm hoặc người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra sự việc phạm tội chính mặt trông thấy người phạm tội đang gây án. Sau một thời gian đã gặp lại và báo cho cơ quan điều tra.

Trong trường hợp này cơ quan điều tra phải tiến hành kiểm tra xác minh tính đúng đắn của lời khai báo của người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại, người có mặt tại nơi xảy ra sự việc phạm tội để tránh các trường hợp nhầm lẫn hoặc cố tính khai báo gian dối của họ. Khi các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành xác minh và có căn cứ để xác định lời khai của họ là đúng thì mới có căn cứ bắt người phạm tội.

– Khi có dấu vết của tội phạm ở người hoặc hoặc ở tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Căn cứ để giữ người trong trường hợp này cần phải thỏa mãn các điều kiện sau:

+ Cơ quan công an trong quá trình theo dõi bằng các biện pháp hành chính, nghiệp vụ đã phát hiện được dấu vết tội phạm ở người hoặc chỗ ở của một người và từ những dấu vết ấy mà người đó bị nghi là thực hiện tội phạm. Các dấu vết của tội phạm mà cơ quan công an tìm thấy có thể là công cụ, phương tiện phạm tội, các vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền bạc chứng minh việc phạm tội, những dấu vết trên thân thể nạn nhân do hành vi phạm tội gây ra,…

+ Có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn ngay người đó trốn hoặc tiêu hủy các chứng cứ. Những biểu hiện đó có thể là: Trốn, hoặc có hành vi chuẩn bị trốn khỏi nơi cư trú, có hành vi xóa bỏ dấu vết tội phạm, tiêu hủy các công cụ, phương tiện phạm tội, thông cung với đồng bọn, khống chế, mua chuộc người làm chứng,…

Khi thỏa mãn hai điều kiện đã được nêu ở trên thì sẽ đủ căn cứ để giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

Khoản 2 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thẩm quyền ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể như sau:

 – Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

– Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

– Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp

Trường hợp này được hướng dẫn tại Điều 15 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định như sau:

– Khi đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu chứng minh căn cứ bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, cụ thể là:

+ Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh rõ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

Biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp
biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

+ Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có biên bản ghi lời khai của người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm và các tài liệu hoặc căn cứ xác định người đó bỏ trốn nếu không bị giữ;

+ Nếu giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu xác định có dấu vết, tài liệu, đồ vật của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm đó; tài liệu, căn cứ xác định người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

– Trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp để xem xét, quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thì Kiểm sát viên thông báo cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra để phối hợp thực hiện. Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên trong việc gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải được đưa vào hồ sơ vụ án.
– Việc ra quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện trong thời hạn 12 giờ kể từ khi Cơ quan điều tra giữ người hoặc nhận người bị giữ (chưa cần có quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Viện kiểm sát). Quyết định tạm giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được ra trước hoặc cùng với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

– Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Điều tra viên phải lập biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại cơ sở giam giữ. Người chứng kiến việc lập biên bản là cán bộ của cơ sở giam giữ.

– Trường hợp Cơ quan điều tra đang thụ lý hồ sơ vụ án đề nghị Cơ quan điều tra khác hoặc những người quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự phối hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, thì ngay sau khi thực hiện việc giữ người, Cơ quan điều tra và những người được đề nghị phối hợp phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra đã đề nghị đến nhận người bị giữ và các tài liệu có liên quan; đồng thời phối hợp trong việc áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp về đến trụ sở Cơ quan điều tra. Tài liệu đề nghị phối hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải được đưa vào hồ sơ vụ án.

Cơ quan điều tra đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp có thể fax hoặc gửi bản ảnh lệnh đó qua phương tiện điện tử cho cơ quan, người được đề nghị phối hợp thực hiện việc giữ người nhưng sau đó phải gửi bản chính để đưa vào hồ sơ vụ án.

Thủ tục áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp

Giữ người trong trường hợp khẩn cấp thể hiện tính chất đặc biệt cấp bách của việc ngăn chặn tội phạm.

Tính cấp bách đó được thể hiện ở việc nếu không bắt tội phạm có thể xảy ra gây tổn thất nghiêm trọng cho nhà nước, xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và các lợi ích hợp pháp của công dân hoặc cản trở việc điều tra, trốn tránh pháp luật. Tuy nhiên để ngăn ngừa mọi hành vi lạm dụng, bắt bừa, bắt ẩu xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các cơ quan có thẩm quyền ra lệnh bắt được quy định tại Khoản 2 Điều 110 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cần phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan điều tra cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số các hoạt động điều tra phải thực hiện việc lấy lời khai ngay, phải khẩn trương, xem xét, ban hành các quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ hoặc là trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát phải trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trước khi xem xét, quyết định không phê chuẩn thù người đã ra lệnh giữ người khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ.

Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139