Trong thời gian gần đây tình trạng bình đẳng giới ở nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến ở một số lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó có vấn đề định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Khái quát chung về bất bình đẳng giới
Vấn đề này trở thành mối quan tâm của xã hội khi mà những thách thức mang tính văn hoá đã ăn sâu từ trong lịch sử tạo thành định kiến, cách nhìn và những chuẩn mực, quy định, ràng buộc gây nhiều áp lực đối với phụ nữ.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vai trò người phụ nữ Việt Nam vô cùng mờ nhạt, luôn bị coi là thấp kém so với nam giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dường như không được quyết định một vấn đề nào trong cuộc sống mà chỉ mang tính chất thụ động.
Hiện nay, trong xã hội hiện đại, vai trò, vị thế và tiếng nói của người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực đã thay đổi mạnh mẽ, người phụ nữ được phát huy khả năng, năng lực và cống hiến cho sự nghiệp. Tuy nhiên, từ phía gia đình, những ” tế bào” vững chắc của xã hội vẫn tồn tại không ít định kiến cổ hủ.
Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng” trọng nam khinh nữ”
Vẫn còn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng đối với phụ nữ ngay trong chính gia đình bởi các chuẩn mực giới theo truyền thống văn hoá trước kia vẫn ăn sâu trong nhiều gia đình, dòng họ, nhất là một số gia đình có nhiều thế hệ chung sống. Không ít người, kể cả những nam giới có trình độ vẫn coi việc chính của phụ nữ là sinh con, đẻ cái, tề gia, nội trợ.
Nhiều gia đình vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi tông đường, con trai là người thừa kế tài sản, có người “chống gậy” nên phải tìm cách sinh con trai bằng mọi giá.
Nhiều gia đình có cả con trai, con gái thì lại có sự phân biệt, đối xử bất bình đẳng ngay trong chính gia đình mình.
Con trai luôn có quyền nhiều hơn, được bênh vực hơn chị em gái, việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa cũng chủ yếu dạy con gái làm. Khi các con trưởng thành, lập gia đình thì bố mẹ lại để thừa kế tài sản phần lớn cho con trai, con gái chẳng qua cùng là “con người ta”, đi làm dâu thì hưởng phúc nhà chồng…
Chính những quan điểm không phù hợp này vô hình trung đã dẫn đến một hệ quả bất bình đẳng, áp đặt những việc không tên trong gia đình lên vai người phụ nữ, biến những thời gian giải quyết việc nhà thành thời gian làm việc không được trả lương.
Mỗi con người dù là nam hay nữ giới đều có những khả năng tiềm ẩn, phụ nữ không nhất thiết phải biết nấu ăn giỏi, một mình nấu cả chục mâm cỗ mà phụ nữ có thể lái máy bay, có thể bay vào vũ trụ nếu từ nhỏ đã được cha mẹ phát hiện và vun đắp khả năng ấy.
Thay vì chú trọng phát triển khả năng cá nhân của con cái thì nhiều cha mẹ mặc định, con trai phải hướng ngoại, phải học những nghề dành cho nam giới, còn con gái thì hướng nội và chỉ chọn những việc nhẹ nhàng phù hợp với thể chất…
Chính vì quan điểm này, nhiều gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thường chỉ đầu tư giáo dục cho con trai.
Cách phân biệt đối xử này đã làm gia tăng tình trạng bỏ học sớm ở trẻ em gái vùng nông thôn, miền núi…
Định kiến giới góp phần làm bất bình đẳng giới càng sâu sắc
Những khuôn mẫu định kiến giới vẫn hiện hữu ngay từ những cuốn sách, những cuốn truyện mà trẻ được học những năm đầu đời.
Trẻ em gái, phụ nữ thường được gắn với các vai trò như nấu ăn, chăm bé, làm việc nhà, công việc thì chủ yếu được minh hoạ là cô giáo, y tá. Trong khi đó, trẻ em trai, nam giới được gắn với các hình ảnh kỹ sư, cảnh sát, bác sĩ hoặc người lãnh đạo, chỉ huy…
Những vấn đề tưởng chừng đơn giản này thực ra có tác động đến nhận thức và một quy ước ngầm về vai trò của giới đối với cả trẻ em gái và trẻ em trai từ ấu thơ. Bất bình đẳng giới tồn tại dai dẳng từ trong lịch sử và thực sự cho đến nay vẫn chưa giải phóng được triệt để về định kiến giới.
Rồi chính những em bé gái được nuôi dạy theo khuôn mẫu xưa, nếp cũ lại là những người mẹ mong sinh được con trai để nối dõi nhà chồng, khi về già lên chức mẹ chồng họ lại mong mình có cháu đích tôn… Đây chính là một cái vòng luẩn quẩn trong tư tưởng đã tạo ra sự bất bình đẳng giới.
Không ít cặp vợ chồng đã sinh 2 con gái khoẻ mạnh, thông minh nhưng vẫn ấp ủ cách này cách kia để có thêm một đứa con trai, nhiều cặp đôi có con đầu lòng là gái thì tìm đủ phương pháp để sinh đứa thứ 2 phải là trai.
Khoa học phát triển, nhiều biện pháp có thể áp dụng để lựa chọn, kiểm soát giới tính thai nhi và nhiều người đã chi rất nhiều tiền, thậm chí sang nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn sinh con trai. Đau lòng hơn, có người còn lựa chọn việc bỏ thai khi biết giới tính thai nhi.
Thực trạng này tác động tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai gần, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân, gia đình mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Đàn ông sẽ khó lấy vợ trong tương lai vì thực trạng mất cân bằng giới tính
Theo các nhà khoa học xã hội, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao sẽ tác động tới quá trình hình thành cấu trúc gia đình, đặc biệt với hôn nhân.
Nam giới trẻ tuổi bị dư thừa so với nữ giới do tỷ lệ nữ giới đang giảm dẩn trong cùng một thế hệ. Hệ luỵ là nam giới sẽ đối mặt với khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời.
Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học, năm 2019, có khoảng 45.900 em gái bị thiếu hụt trong số sinh trong năm, chiếm tới 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra. Nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn tiếp tục cao như hiện nay thì chỉ khoảng hai, ba chục năm tới, sẽ có hàng triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ không thể tìm được bạn đời.
Bình đẳng giới là gì và tại sao chúng ta cần bình đẳng giới
Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.
Tại Mỹ, các tổ chức xã hội phải mất hơn 70 năm (từ năm 1848 cho đến năm 1920) để đấu tranh và tạo cho phụ nữ một vài quyền cơ bản như: Quyền được bảo hộ; quyền bình đẳng cho phụ nữ da màu nói riêng và phụ nữ nói chung; cải thiện điều kiện sống, mức lương làm việc và quyền bầu cử tại Mỹ. Một số nhà hoạt động nhân quyền còn hy sinh tính mạng của mình để đấu tranh cho các quyền này. Thế nhưng, ở nhiều nước khác, những bất bình đẳng giới vẫn còn tiếp diễn.
Theo thống kê, có 77% đàn ông trong giữ vai trò là lực lượng lao động chính. Trong khi đó phụ nữ chỉ chiếm khoảng 50% hoặc chưa tới số đó (ở một số nước, số lượng phụ nữ có mặt trong lực lượng lao động chính còn ít hơn rất nhiều). Thu nhập mà phụ nữ nhận được trung bình chỉ bằng khoảng 77% nam giới; tức là vẫn thấp hơn 23%.
Với mỗi 1 đô-la một người đàn ông kiếm ra, phụ nữ tại Mỹ La-tin chỉ kiếm được 56 cents và phụ nữ Mỹ-Phi kiếm được khoảng 64 cents (tức là chỉ hơn một nửa). 62 triệu bé gái bị từ chối quyền học hành trên toàn thế giới (số liệu của Liên hợp quốc).
Hàng năm, có tới 15 triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi bị ép tảo hôn và hôn nhân sắp đặt sẵn của gia đình. Cứ 5 nạn nhân của nạn buôn người thì có tới 4 là nữ (Số liệu của quỹ Malala).
Có tới 125 triệu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của tục cắt âm vật (Female genital mutilation) trên toàn thế giới. Có ít nhất 1000 vụ giết phụ nữ và bé gái vì danh dự gia đình xảy ra hằng năm ở Ấn Độ và Pakistan. Cứ 5 sinh viên nữ thì có 1 người là nạn nhân của tấn công tình dục tại trường học hay giảng đường. Tại Mỹ, cứ mỗi 15 giây trôi qua sẽ có một người phụ nữ bị chồng hoặc bạn trai đánh đập (domestic violence)
Còn tại việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái vẫn thiệt thòi hơn nam giới và trẻ em trai trong một số lĩnh vực.
Tỷ lệ phụ nữ làm công ăn lương chỉ bằng khoảng hơn một nửa so với nam giới. Mức lương của phụ nữ thấp hơn nam giới. Ví dụ: mức lương bình quân thực tế theo giờ công lao động của phụ nữ chỉ bằng khoảng 80% so với nam giới.
Thời gian phụ nữ dành cho công việc nhà không được thù lao gấp đôi nam giới. Số giờ công lao động hưởng lương của nam giới và phụ nữ là tương đương nhau. Tuy nhiên thời gian phụ nữ dành cho việc nhà lại gấp đôi nam giới, đây là những công việc không được thù lao.
Do đó, họ không có thời gian để tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá, xã hội và tiếp tục nâng cao trình độ học vấn. Chưa kể, điều kiện dinh dưỡng của phụ nữ kém hơn so với nam giới.
Phụ nữ trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng nông thôn, các gia đình nghèo và các dân tộc thiểu số, vẫn có nhiều khả năng bị suy yếu sức khỏe hơn nam giới.
Ngoài ra, họ vẫn còn gặp nhiều trở ngại hơn đàn ông trong việc tiếp cận với các nguồn tín dụng, đặc biệt vì phụ nữ thường không có tài sản thế chấp như đất đai. Mặc dù luật đất đai ở Việt Nam không phân biệt đối xử với phụ nữ, song những tập quán phổ biến làm cho họ bị yếu thế hơn, bởi quyền sử dụng đất thường chỉ đứng tên người chồng.
Ngoài những những thông tin trong báo cáo trên, rõ ràng trên thực tế người phụ nữ vẫn gặp nhiều trở ngại hơn so với nam giới trong việc tham gia vào các công việc cũng như các hoạt động xã hội. Đặc biệt tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực giới vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi (theo báo cáo của UNFP).
Bình đẳng giới không chỉ là để giải phóng phụ nữ, mà còn là giải phóng đàn ông. Khi quá đề cao nam giới và hạ thấp nữ giới thì không chỉ có nữ giới bị ảnh hưởng mà nam giới cũng bị ảnh hưởng theo. Chẳng hạn, quan niệm nam giới phải mạnh mẽ, không được khóc, không được thể hiện cảm xúc là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tỉ lệ tự tử ở nam cao gấp 3 lần nữ giới, tuổi thọ cũng ngắn hơn. Rất nhiều nam giới bị rối loạn tâm lý nhưng không dám đi khám hay chữa hoặc tìm đến sự giúp đỡ vì họ sợ bị dị nghị là “yếu ớt” hay “thiếu nam tính”. Chưa kể, nếu họ có theo đuổi các ngành nghệ thuật thì sẽ bị miệt thị và nói là “yếu đuối”, “đàn bà”, “gay”…
Hiện tại, trên thế giới có rất nhiều phụ nữ là những nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu, có nhiều người thậm chí đã được giải Nobel về Sinh học, Vật lý, Hóa học. Tại các nước phát triển ở Bắc Âu, hay Canada, Singapore… rất nhiều người đứng đầu các phòng nghiên cứu khoa học tự nhiên và khoa học chính trị là nữ giới. Trong các ngành STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics), những nhà khoa học nữ có hiệu suất làm việc ngang bằng với các nhà khoa học nam. Một số nghiên cứu còn cho rằng, bình đẳng giới giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, vì khi cho phụ nữ cơ hội như nam giới, họ sẽ có khả năng giúp đỡ và san sẻ công việc cho nhau nhiều hơn.
Do đó, đấu tranh cho quyền phụ nữ (women’s rights) và bình đẳng giới là cần thiết và ý nghĩa trong mọi thời điểm.
Bài viết về bất bình đẳng giới trên đây của Luật Trần hy vọng mang lại thông tin hữu ích cho bạn.