Hiện nay, nhiều người khởi kiện làm đơn gửi Tòa án nhưng không được thụ lý vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đa phần do người khởi kiện không nắm rõ các quy định pháp luật về thủ tục thụ lý vụ án dân sự. Thụ lý vụ án dân sự không đơn thuần là một hành vi vào sổ thụ lý vụ án mà nó là một quy trình cần tiến hành bởi nhiều bước. Dưới đây là bài viết của Luật Trần và Liên Danh xin gửi tới bạn đọc nhằm làm rõ trình tự, thủ tục thụ lý vụ án dân sự cùng như điều kiện thụ lý vụ án dân sự.
Các khai niệm
Vụ án dân sự là gì?
Vụ án dân sự là các tranh chấp xảy ra giữa các đương sự mà theo quy định thì cá nhân, cơ quan, tổ chức tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thụ lý vụ án dân sự là gì?
Thụ lý vụ án dân sự là một hoạt động tố tụng dân sự do Tòa án tiến hành trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của người có quyền khởi kiện và vào sổ thụ lý vụ án dân sự khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định.
Điều kiện thụ lý vụ án dân sự
Về chủ thể khởi kiện
Chủ thể khởi kiện bao gồm cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đáp ứng được những điều kiện do pháp luật quy định.
Chủ thể khởi kiện phải có năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự:
Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
Đối với những chủ thể không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần phải được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án mà phải do người đại diện thay mặt để thực hiện khởi kiện vụ án.
Thêm vào đó, theo điểm b, c khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“b) Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án…
c) Cá nhân …là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm hoặc tranh chấp.
Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Cụ thể, vụ án khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 26, Điều 28, Điều 30 và Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo vụ việc); Vụ án phải được khởi kiện đúng cấp Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (thẩm quyền theo cấp); Và phải đúng thẩm quyền theo lãnh thổ (Điều 39); Ngoài ra, nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án giải quyết (Điều 40).
Ví dụ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 thì tranh chấp đất đai mà đối với thửa đất đó cơ quan, tổ chức, cá nhân không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 có quyền lựa chọn Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 để giải quyết tranh chấp. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền và cơ quan đó đang giải quyết tranh chấp thì vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật.
Tuy nhiên, các đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại.
Vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện được hiểu là bên có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ khi đã hết thời hạn mà họ phải thực hiện các nghĩa vụ của mình. Còn quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Tòa án luôn có trách nhiệm phải thụ lý vụ án mà không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu. Như vậy, tùy thuộc vào thời điểm nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án sẽ xem xét xem điều kiện về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự có được coi là một trong những điều kiện để chấp nhận việc thụ lý vụ án dân sự đó hay không.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật
– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.
Ví dụ: Công ty A là người sử dụng lao động ký hợp đồng với ông B, trong hợp đồng ghi rõ ông B sẽ được Công ty cho đi học nghề 01 năm, đồng thời ông B có nghĩa vụ làm việc tại Công ty ít nhất là 05 năm kể từ thời điểm học xong. Tuy nhiên, sau khi học xong ông B chỉ làm việc ở Công ty A 02 năm. Công ty A khởi kiện ông B ra Tòa án buộc ông B hoàn trả chi phí đào tạo học nghề khi chưa tiến hành thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Trường hợp này, theo quy định tại Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Công ty A chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án.
– Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện.
Những điều kiện khác
– Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện: phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án (quy định tại khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
– Nộp tiền tạm ứng án phí: ngoài việc thỏa mãn các điều kiện khởi kiện về nộp các tài liệu chứng cứ cho Tòa án thì để tòa án thụ lý vụ án dân sự, đương sự còn phải nộp tiền tạm ứng án phí trừ các trường hợp được miễn.
Thủ tục thụ lý vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì thủ tục thụ lý vụ án dân sự được diễn ra như sau:
Bước 1: Nhận đơn khởi kiện và xử lý đơn khởi kiện
Người khởi kiện đủ các điều kiện khởi kiện trên thì nộp hồ sơ khởi kiện theo các phương thức sau:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Theo quy định tại Điều 16 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP về gửi, nhận đơn khởi kiện, chứng cứ qua mạng:
“Điều 16. Lập và gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử
Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.
Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.”
Bước 2: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
– Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung theo quy định thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.
– Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
Bước 3: Xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo cho người khởi kiện
Theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì thẩm phán phải xác định tiền tạm ứng án phí và thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.
Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nội tiền tạm ứng án phí. Trong thời gian 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Vào sổ thụ lý vụ án dân sự và thông báo việc thụ lý vụ án
Khi người khởi kiện nộp cho tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán thụ lý vụ án và vào sổ thụ lý vụ án dân sự.
Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho viện kiểm sát cùng cấp về việc tòa án đã thụ lý vụ án. (Điều 196 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015)
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về điều kiện thụ lý vụ án dân sự. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Công ty luật uy tín Luật Trần và Liên Danh để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhất.