Bạn đang có kế hoạch thành lập công ty xây dựng? Bạn đang muôn tìm hiểu những quy định về vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ và có những kế hoạch phù hợp khi tiến hành thủ tục mở công ty Xây Dựng.
Cơ sở pháp lý về vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng
Luật Doanh nghiệp 2020
Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài
Vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng là gì?
Về mặt định nghĩa, Vốn điều lệ được quy định tại Khoản 34, Điều 4, Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Để hiểu rõ hơn về các thành tố trong đó, chúng ta cần tìm hiểu thêm các điều khoản có liên quan trong Luật này, bao gồm:
Điều 34. Tài sản góp vốn
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, vốn điều lệ có thể được hiểu là tổng giá trị tài sản bao gồm tiền mặt, ngoại tệ hoặc các tài sản khác do các thành viên công ty hoặc chủ sở hữu công ty đã góp vốn hoặc cam kết góp vốn khi đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh và là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua trong một thời gian quy định được thể hiện trong Điều lệ của công ty khi đăng ký thành lập công ty cổ phần.
Mức vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng có ý nghĩa gì?
Vốn điều lệ là mức trách nhiệm mà thành viên góp vốn và cổ đông mua cổ phần đối với khách hàng, đối tác, cũng như đối với doanh nghiệp của mình. Thành viên/cổ đông phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã khai trên giấy phép kinh doanh. Ví dụ khi thành lập công ty, thành viên cam kết góp mức vốn là 1 tỷ mà thực tế không có đủ 1 tỷ, sau này có các nghĩa vụ của doanh nghiệp phát sinh thành viên này sẽ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi 1 tỷ đã khai trước đó;
Là cơ sở để phân chia lợi nhuận cũng như phân chia mức rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
Là vốn sử dụng để đầu tư cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trang trải các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động;
Là cơ sở để thu mức lệ phí môn bài cho cơ quan thuế, cụ thể như sau:
Các vấn đề liên quan đến Lệ phí môn bài cần lưu ý
Mức lệ phí môn bài sẽ phụ thuộc vào mức vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký, cụ thể theo khoản 1, điều 4, nghị định 139/2016/NĐ-CP cụ thể như sau:
Điều 4. Mức thu lệ phí môn bài
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm;
b) Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức quy định tại điểm a và điểm b khoản này căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý về thời điểm đăng ký doanh nghiệp, cụ thể hơn là thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì nó sẽ ảnh hưởng đến mức lệ phí cần đóng trong năm đầu tiên. Cụ thể theo khoản 3, điều 4, nghị định 139/2016/NĐ-CP – được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2020 như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài
…
Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
…
b) Khoản 3 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (bao gồm cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) khi hết thời gian được miễn lệ phí môn bài (năm thứ tư kể từ năm thành lập doanh nghiệp): trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trường hợp kết thúc trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.
Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể có hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong thời gian 6 tháng đầu năm nộp mức lệ phí môn bài cả năm, trong thời gian 6 tháng cuối năm nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.”
Tuy nhiên, tùy vào ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà mức vốn điều lệ sẽ có tầm quan trọng khác nhau, cũng như có ảnh hưởng nhất định đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Ví như vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng, dù không ảnh hưởng đến điều kiện khi thành lập công ty ban đầu nhưng mức vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng và cơ hội của doanh nghiệp đó khi tham gia đấu thầu.
Quy định về mức vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng
Không có yêu cầu về mức vốn pháp định đối với vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng, tức không có yêu cầu mức vốn điều lệ tối thiểu khi đăng ký kinh doanh. Tùy vào quy mô mà công ty có thể đăng ký một mức vốn phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình.
Theo đó, các quy định về vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng chỉ cần tuân thủ thời gian góp vốn theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, có thể kể như tại Điều 47. Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, Điều 75. Góp vốn thành lập công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên… Nội dung chính có thể tóm lược như sau:
Thời gian để các thành viên/cổ đông góp đủ vốn đăng ký mua là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu sau thời hạn 90 ngày này mà thành viên/ cổ đông chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ số vốn đã đăng ký hoặc số cổ phần đã đăng ký mua thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin thành viên góp vốn/ cổ đông sáng lập và thực hiện thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giảm vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ.
Bên cạnh đó, cũng giống như các doanh nghiệp khác, công ty xây dựng cung không phải chứng minh về vốn đã góp. Mức vốn điều lệ tối thiểu dù không có quy định bắt buộc nhưng khi tham gia đấu thầu, các gói thầu thường sẽ đặt ra yêu cầu về mức tối thiểu của vốn điều lệ. Vì thế, nhiều công ty xây dựng vẫn luôn cố gắng đăng ký vốn điều lệ ở mức khá cao nhằm thể hiện tiềm lực của công ty khi làm hồ sơ đấu thầu, cũng như chứng minh khả năng cho các đối tác.
Mục 5: Hồ sơ & Thủ tục đăng ký vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, tùy vào loại hình doanh nghiệp thì hồ sơ thành lập công ty xây dựng sẽ khác nhau, gồm những giấy tờ sau:
Giấy đề nghị thành lập công ty theo mẫu của Sở Kế hoạch đầu tư Tỉnh/Thành phố;
Điều lệ công ty theo mẫu của Sở kế hoạch đầu tư Tỉnh/Thành phố hoặc do doanh nghiệp tự chuẩn bị;
Danh sách thành viên góp vốn đối với công ty TNHH hoặc danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty Cổ phần và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
Bản sao y công chứng 1 trong các giấy tờ sau CMND/hộ chiếu/CCCD đối với thành viên/cổ đông là cá nhân hoặc Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy phép kinh doanh đối với thành viên/cổ đông là tổ chức;
Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ (Trong trường hợp nộp hồ sơ thủ tục thành lập công ty trực tiếp);
Mục lục hồ sơ ghi theo thứ tự trên (Trong trường hợp nộp hồ sơ thủ tục thành lập công ty trực tiếp);
Bìa hồ sơ (thủ tục bắt buộc tại Sở kế hoạch đầu tư);
Giấy ủy quyền để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (Trong trường hợp người nộp hồ sơ thủ tục thành lập công ty không phải là thành viên/ cổ đông của công ty).
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và con dấu, tùy vào vào mã ngành hoạt động, công ty xây dựng sẽ phải xin thêm chứng chỉ hành nghề của các thành viên/cổ đông/nhân viên công ty tùy vào ngành nghề.
Trên đây là tư vấn của công ty Luật Trần và Liên Danh về điều kiện, thủ tục đăng ký cũng như các vấn đề về vốn điều lệ thành lập công ty xây dựng dựa trên quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên nội dung chỉ mang tính tham khảo, để được tư vấn chính xác hơn về trường hợp và nhu cầu của doanh nghiệp, quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật Trần và Liên Danh để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý