Xuất phát từ nhu cầu tài chính của Nhà nước, cũng như là một công cụ để Nhà nước quản lí và điều tiết các hoạt động kinh tế – xã hội, thuế thu nhập đã ra đời để đáp ứng các yêu cầu này. Trong hệ thống thuế của các nước, thuế thu nhập, điển hình là thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế quan trọng. Dưới đây là thủ tục quyết toán thuế tncn, hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu nhé!
Khái niệm thuế thu nhập cá nhân
Thuế TNCN là sắc thuế mà nhà nước sử dụng để điều tiết một phần thu nhập của các cá nhân vào NSNN với mục đích tạo nguồn thu cho NSNN và thực hiện công bằng xã hội.
Đặc điểm của thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, thuế TNCN là thuế trực thu
Thứ hai, thuế TNCN có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân
Thứ ba, việc đánh thuế thu nhập cá nhân thường áp dụng theo nguyên tắc thuế suất lũy tiến từng phần
Thứ tư, thuế TNCN là một loại thuế có tính ổn định không cao và phức tạp
Thứ năm, nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế TNCN bao gồm các văn bản pháp luật quốc gia và luật quốc tế
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân
Thứ nhất, thuế TNCN góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Thứ hai, thuế TNCN là công cụ để nhà nước phân phối sản phẩm xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo, góp phần đảm bảo tính công bằng trong xã hội
Thứ ba, thuế TNCN là công cụ gắn liền với việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách xã hội của nhà nước
Thứ tư, thuế TNCN góp phần giúp Nhà nước kiểm soát thu nhập, phát hiện thu nhập bất hợp pháp
Pháp luật thuế thu nhập cá nhân
Khái niệm pháp luật thuế thu nhập cá nhân
Pháp luật thuế TNCN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thu, nộp thuế của cá nhân có phát sinh thu nhập theo quy định của pháp luật.
Các nguyên tắc đánh thuế theo luật thuế TNCN
Nguyên tắc đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế trong thuế TNCN
Nguyên tắc đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế
Nguyên tắc đảm bảo tính hiệu quả của pháp luật thuế TNCN
Nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần
Đối tượng nộp thuế
Việc quy định đối tượng nộp thuế của luật thuế TNCN hiện hành là khá hợp kí và phù hợp với thông lệ quốc tế.
– Phạm vi chịu thuế
Tại Điều 2.1 Luật Thuế TNCN quy định: “Đối tượng thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế… phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế….phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam”.
Việc quy định đối tượng nộp thuế như vậy là khá hợp lí, tạo sự bình đẳng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài, đồng thời tránh được sự phức tạo trong xác định đối tượng chịu thuế. Không những thế, nó còn thể hiện thái độ thiện chí của nước ta trong việc nỗ lực thể hiện các đãi ngộ quốc gia, tạo môi trường mở và tâm lí yên tâm cho nhà đầu tư, người nước ngoài khi làm việc và sinh sống tại Việt Nam.
– Căn cứ xác định yếu tố cư trú
Căn cứ điều 2.2 Luật Thuế TNCN:
Đối với cá nhân cư trú có điều kiện “có mặt tại VN” được hiểu là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Đây là một điều kiện thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, có thể bao quát được những cá nhân có mặt tại VN trên 183 ngày nhưng không ở những tháng gián đoạn, không liên tục. Cá nhân cư trú hoặc còn được quy định là có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
Căn cứ Điều 2.3 Luật Thuế TNCN: Cá nhân không cư trú là chủ thể không đáp ứng đồng thời cả hai điều kiện về thời gian có mặt cũng như nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Các quy định này thể hiện sự tinh giản hóa quy phạm pháp luật tuy nhiên hạn chế là ít chữ nên chưa rõ ý, dễ gây hiểu lầm. Bởi lẽ có thể cá nhân không cư trú ở Việt Nam 1 ngày khác với trường hợp ở Việt Nam 182 ngày.
Thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Đối với cá nhân cư trú
Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Một là, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên
Thời hạn 183 ngày có mặt tại Việt Nam tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày.
Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam.
Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.
Lưu ý: Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
Hai là, có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau
Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú
+ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
+ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.
Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở
Thời hạn thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:
+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.
+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.
Cá nhân không cư trú
Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu trên.
Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Về hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, người nộp thuế cần xem lại quy định tại điểm b tiết 9.2 và điểm b tiết 9.9 Khoản 9 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 87 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính cũng hướng dẫn: “Mẫu biểu hồ sơ khai thuế quy định tại Thông tư này được áp dụng đối với các kỳ tính thuế bắt đầu từ ngày 1/1/2022 trở đi. Đối với khai quyết toán thuế của kỳ tính thuế năm 2021 cũng được áp dụng theo mẫu biểu hồ sơ quy định tại Thông tư này”.
Theo đó, hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN từ kỳ tính thuế năm 2021 như sau:
Thứ nhất, đối với cá nhân khai quyết toán thuế TNCN trực tiếp với cơ quan thuế, hồ sơ quyết toán thuế TNCN bao gồm tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân (theo mẫu), phụ lục bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc; bản sao (bản chụp từ bản chính) các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).
Ngoài các giấy tờ trên, cá nhân khai quyết toán thuế TNCN trực tiếp với cơ quan thuế cần thêm có thêm bản sao giấy chứng nhận khấu trừ thuế (ghi rõ đã nộp thuế theo tờ khai thuế thu nhập nào) do cơ quan trả thu nhập cấp hoặc bản sao chứng từ ngân hàng đối với số thuế đã nộp ở nước ngoài có xác nhận của người nộp thuế trong trường hợp theo quy định của luật pháp nước ngoài, cơ quan thuế nước ngoài không cấp giấy xác nhận số thuế đã nộp.
Bản sao các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
Tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài trong trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Mục III công văn này (nếu tính giảm trừ cho người phụ thuộc tại thời điểm quyết toán thuế đối với người phụ thuộc chưa thực hiện đăng ký người phụ thuộc).
Thứ hai, đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập, hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN như sau: Tờ khai quyết toán thuế TNCN theo mẫu; phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu lũy tiến từng phần; phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất toàn phần; phụ lục bảng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh.
Thứ ba, trường hợp cá nhân thực hiện ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thay thì cá nhân lập Giấy uỷ quyền quyết toán thuế TNCN từ kỳ tính thuế năm 2021 theo mẫu số 08/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Phụ lục II Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.
Nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN thực hiện theo Khoản 8 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Trường hợp cá nhân khai và nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN tại trang web https://canhan.gdt.gov.vn thì hệ thống có chức năng hỗ trợ xác định cơ quan thuế quyết toán dựa trên thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm do cá nhân kê khai.
Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN được xác định cụ thể như sau: Đối với tổ chức trả thu nhập, nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập đó.
Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế: Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công tại một nơi và thuộc diện tự khai thuế trong năm thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân trực tiếp khai thuế trong năm theo quy định tại điểm a Khoản 8 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Trường hợp cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công tại hai nơi trở lên, bao gồm cả trường hợp vừa có thu nhập thuộc diện khai trực tiếp, vừa có thu nhập do tổ chức chi trả đã khấu trừ, thì cá nhân nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi có nguồn thu nhập lớn nhất trong năm.
Trường hợp không xác định được nguồn thu nhập lớn nhất trong năm, thì cá nhân tự lựa chọn nơi nộp hồ sơ quyết toán tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức chi trả hoặc nơi cá nhân cư trú.
Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công thuộc diện tổ chức chi trả khấu trừ tại nguồn từ hai nơi trở lên thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế như sau:
Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó.
Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng.
Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào, thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
Trường hợp cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10%, thì nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
Cá nhân cư trú trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi, hoặc nhiều nơi, nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ khai quyết toán thuế là cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú.
Cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế có hồ sơ đề nghị giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế chính là cơ quan thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ giảm thuế. Cơ quan thuế xử lý hồ sơ giảm thuế có trách nhiệm xử lý hồ sơ quyết toán thuế theo quy định.
Khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Trường hợp tổ chức, cá nhân khai bổ sung không làm thay đổi nghĩa vụ thuế thì chỉ phải nộp bản giải trình khai bổ sung và các tài liệu có liên quan, không phải nộp tờ khai bổ sung.
Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm, thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của tháng, quý có sai, sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm, tùy từng trường hợp cụ thể hồ sơ khai bổ sung khác nhau. Cụ thể, đối với cá nhân trực tiếp khai thuế, trực tiếp quyết toán thuế chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm; đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm và tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.
Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Căn cứ quy định tại điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội quy định thời hạn khai, nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN như sau:
– Đối với tổ chức trả thu nhập, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
– Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế TNCN, nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
– Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định, thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế được tính là ngày làm việc tiếp theo của ngày nghỉ đó theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Cách tính thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế tính theo tháng, có thể kê khai theo tháng hoặc quý, nhưng sẽ quyết toán theo năm. Có 3 cách tính thuế thu nhập cá nhân dành cho 3 đối tượng khác nhau:
Cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên: Tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng: Khấu trừ 10%
Cá nhân không cư trú (thường là người nước ngoài): Khấu trừ 20%
Lưu ý: Theo Điều 11 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 sửa đổi, bổ sung, thuế thu nhập cá nhân sẽ được tính tại thời điểm trả thu nhập.
Tóm lại, thuế thu nhập cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế – xã hội. Do đó, việc hoàn thành đóng thuế là nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam để xây dựng nền kinh tế nước nhà ngày một vững mạnh.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục quyết toán thuế tncn Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.