Khi được hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp, cá nhân được hoàn thuế cần phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định và nộp tại cơ quan thuế hoặc cơ quan hải quan. Dưới đây là quy định và thủ tục hoàn thuế gtgt hàng xuất khẩu mới nhất hiện nay.
Các trường hợp được hoàn thuế gtgt
Theo quy định có 9 đối tượng hoàn thuế GTGT cụ thể như sau:
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. Trường hợp lũy kế sau ít nhất 12 tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau ít nhất 4 quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
Doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nếu thời gian đầu tư từ 1 năm (12 tháng) trở lên thì được hoàn thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho đầu tư theo từng năm. Trường hợp, nếu số thuế GTGT luỹ kế của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.
Hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư mới. Trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà để bán) cùng tỉnh, thành phố, đang trong giai đoạn đầu tư thì doanh nghiệp thực hiện kê khai riêng đối với dự án đầu tư và phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện. Số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh.
Đối tượng được hoàn thuế GTGT là doanh nghiệp trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Doanh nghiệp trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.
Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tính phân bổ như trên chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng thì cơ sở kinh doanh không được xét hoàn thuế theo tháng/quý mà kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo; nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT theo tháng/quý.
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
Trường hợp doanh nghiệp trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh giải thể không phát sinh thuế GTGT đầu ra của hoạt động kinh doanh chính theo dự án đầu tư thì không thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. Trường hợp doanh nghiệp đã được hoàn thuế cho dự án đầu tư thì phải truy hoàn số thuế đã được hoàn cho ngân sách nhà nước.
Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo. Trong đó đối với dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại: chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án được hoàn lại số thuế GTGT đã trả đối với hàng hoá, dịch vụ mua ở Việt Nam để sử dụng cho chương trình, dự án.
Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn thuế GTGT đã trả của hàng hoá, dịch vụ đó.
Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hoá đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh. Việc hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh.
Doanh nghiệp có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu
Hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp khi xuất khẩu chịu thuế suất 0%, doanh nghiệp nếu đã nộp thuế được hoàn tương ứng với 2 trường hợp sau:
Doanh nghiệp chỉ phát sinh hoạt động xuất khẩu
Doanh nghiệp được hoàn số thuế GTGT đã nộp ở khâu xuất khẩu theo tháng, quý (tùy thuộc việc doanh nghiệp kê khai tính thuế theo tháng hoặc theo quý), khi có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên. Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu dưới 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Doanh nghiệp phát sinh cả hoạt động bán hàng nội địa và xuất khẩu
Doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.
Đối tượng được hoàn thuế
Theo Khoản 4 Điều 18 TT219/2013-TT/BTC quy định đối tượng được hoàn thuế bao gồm:
Đối với ủy thác xuất khẩu: cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu;
Đối với gia công chuyển tiếp: là cơ sở nơi ký hợp đồng gia công xuất khẩu đối với phía nước ngoài;
Đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài: doanh nghiệp có vật tư, hàng hóa xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: là cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.
Điều kiện hoàn thuế
Doanh nghiệp trong kỳ phát sinh hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế khi đáp ứng các điều kiện sau:
Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hợp pháp
Đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật
Có tài khoản tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp
Trong kỳ doanh nghiệp phát sinh hoạt động xuất khẩu, thỏa mãn số thuế GTGT chưa khấu trừ của hhdv xuất khẩu (hoặc chưa được khấu trừ hết) từ 300 triệu đồng trở lên
Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, cụ thể dưới đây:
Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu bao gồm các giấy tờ sau
Hợp đồng bán, gia công hàng hóa cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu là hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu
Tờ khai hải quan đối với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan;
Chú ý: Các trường hợp sau không cần tờ khai hải quan
Cơ sở kinh doanh xuất khẩu phần mềm qua phương tiện điện tử: thay vì phải khai tờ khai hải quan, cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để xác nhận bên mua đã nhận được hàng theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử;
Hoạt động xây lắp công trình ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan;
Cơ sở kinh doanh cung cấp điện nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả đồ bảo hộ lao động: áo, mũ, giày, ủng, găng tay)
Hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn tiền gia công;
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
Thời hạn giải quyết hoàn thuế
Căn cứ Thông tư 99/2016/TT-BTC, thời hạn giải quyết yêu cầu hoàn thuế được chia thành 02 trường hợp:
– Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau
+ Nếu hồ sơ hoàn thuế không thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn; hoặc chưa đủ thông tin để xác định thì cơ quan thuế gửi thông báo cho người nộp thuế trong vòng 03 ngày làm việc; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
+ Nếu đủ điều kiện hoàn thuế thì cơ quan thuế ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
– Đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau
Cơ quan thuế tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; và ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 40 ngày; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hoàn thuế.
– Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chi hoàn thuế cho người nộp chậm nhất là 03 ngày làm việc; kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước.
Như vậy, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện qua 03 bước. Trong đó, quan trọng nhất là tổ chức; cá nhân được hoàn thuế phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục hoàn thuế gtgt hàng xuất khẩu Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.