Thuế giá trị gia tăng có nguồn gốc từ thuế doanh thu và Pháp là nước đầu tiên trên thế giới ban hành Luật thuế giá trị gia tăng – vào năm 1954. Thuế giá trị gia tăng theo tiếng Pháp gọi là: Taxe Sur La Valeur Ajou tée (viết tắc là TVA), tiếng Anh gọi là Value Added Tax (viết tắc là VAT), dịch ra tiếng Việt là thuế giá trị gia tăng. Khai sinh từ nước Pháp, thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Vậy hiện nay khái niệm thuế gtgt được quy định như thế nào?
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định:
“Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.”
Như vậy, thuế giá trị gia tăng là thuế chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm đó. Mặc dù người tiêu dùng mới chính là người chi trả thuế giá trị gia tăng, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng
Để kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đúng, chúng ta cần biết rõ đối tượng chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
Căn cứ và luật thuế giá trị gia tăng và thông tư 219/2013/TT-BTC, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.
Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại luật thuế giá trị gia tăng 2008; Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi bổ sung luật thuế giá trị gia tăng 2008; Luật số: 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế giá trị gia tăng và Luật số 31/2013/QH13, thì đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng khá rộng, có thể liệt kê một số như sau:
Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Sản phẩm là giống vật nuôi, giống cây trồng, bao gồm trứng giống, con giống, cây giống, hạt giống, tinh dịch, phôi, vật liệu di truyền.
Tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; nạo vét kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
Sản phẩm muối được sản xuất từ nước biển, muối mỏ tự nhiên, muối tinh, muối i-ốt mà thành phần chính là Na-tri-clo-rua (NaCl).”
Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê.
Chuyển quyền sử dụng đất
Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm người học, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; tái bảo hiểm
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật;
b) Dịch vụ cho vay của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng;
c) Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; hoạt động kinh doanh chứng khoán khác theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Chuyển nhượng vốn bao gồm: chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng chứng khoán; hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;
đ) Bán nợ;
e) Kinh doanh ngoại tệ;
g) Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất; hợp đồng kỳ hạn; hợp đồng tương lai; quyền chọn mua, bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật;
h) Bán tài sản bảo đảm của khoản nợ của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam.”
Dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật.”
Trong khuôn khổ bài viết về tìm hiểu, khái niệm thuế giá trị gia tăng, chúng tôi không thể liệt kê được hết các đối tượng không chịu thuế.
Cách tính thuế giá trị gia tăng
Cụ thể là về cách tính thuế giá trị gia tăng đối với đối tượng chịu thuế là doanh nghiệp như sau:
Trong luật thuế giá trị gia tăng hiện hành, có quy định rõ ràng rằng: để tính được thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp ta có thể sử dụng một trong hai phương pháp đó là phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị gia tăng và phương pháp khấu trừ thuế.
Bên cạnh đó pháp luật cũng hướng dẫn chi tiết cách tính thuế giá trị gia tăng đối với từng phương pháp nhất định.
– Phương pháp tính trực tiếp trên phần giá trị gia tăng
+ Đối tượng áp dụng ở đây đó chính là các hợp tác xã hay các doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng trong 1 năm; người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh và có doanh thu tại nước ta trong trường hợp chưa hoàn thiện đầy đủ các chế độ về chứng từ, hóa đơn hoặc kế toán; ngoài ra còn có các cá nhân, hộ kinh doanh, v.v …
+ Cách tính cụ thể:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %
Trong đó, quy định về tỷ lệ % đó là:
Cung cấp và phân phối hàng hóa: 1%
Dịch vụ xây dựng nhưng không bao thầu nguyên – vật liệu: 5%
Các dịch vụ liên quan đến vận tải, sản xuất có gắn với những hàng hóa phục vụ hoạt động xây dựng có kèm theo bao thầu nguyên – vật liệu: 3%
Những hoạt động kinh doanh khác: 2%
– Phương pháp khấu trừ thuế giá trị gia tăng
+ Đối tượng áp dụng phương pháp tính thuế giá trị gia tăng này đó chính là những cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ các điều kiện về chứng từ, hóa đơn hay chế độ kế toán, v.v … theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh trên còn phải có thêm điều kiện là có doanh thu từ 01 tỷ đồng trở lên trong một năm.
Không áp dụng phương pháp tính thuế này đối với cá nhân hoặc hộ kinh doanh.
+ Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế như sau:
Số thuế giá trị gia tăng phải nộp =Số thuế giá trị gia tăng đầu ra – Số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi đã được khấu trừ.
Vai trò cuả thuế giá trị gia tăng trong lưu thông hàng hoá:
Luật thuế doanh thu quy định doanh thu phát sinh là cơ sở để thực hiện chế độ thu nộp thuế. Do đó Nhà nước đánh thuế trên toàn bộ doanh thu phát sinh của sản phẩm qua mỗi lần chuyển dịch từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Nếu các sản phẩm, hàng hoá chịu thuế càng qua nhiều khâu thì số thuế Nhà nước thu cũng tăng thêm qua các khâu nên việc áp dụng thuế doanh thu dẫn đến tình trạng thuế thu trùng lặp đối với phần doanh thu đã chịu thuế ở công đoạn trước.
Ðiều đó mang tính bất hợp lý, tác động tiêu cực đến sản xuất và lưu thông hàng hoá. Với tính ưu điểm của thuế giá trị gia tăng là Nhà nước chỉ thu thuế đối với phần giá trị tăng thêm cuả các sản phẩm ở từng khâu sản xuất, lưu thông mà không thu thuế đối với toàn bộ doanh thu phát sinh như mô hình thuế doanh thu.
Nếu như không có các sự kiện biến động về tài chính, tiền tệ, sản xuất và lưu thông giảm suất, yếu kém, kinh tế suy thoái và các nguyên nhân khác tác động thì việc áp dụng thuế giá trị gia tăng thay cho thuế doanh thu sẽ không ảnh hưởng gì đến giá cả các sản phẩm tiêu dùng, mà trái lại giá cả càng hợp lý hơn, chính xác hơn vì tránh được thuế chồng lên thuế.
Theo nghiên cứu và thống kê cuả ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì phần lớn các nước trong đó có cả Việt Nam sau khi áp dụng thuế giá trị gia tăng, giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều không thay đổi hay chỉ thay đổi một tỷ lệ không đáng kể và mức sản xuất cuả các doanh nghiệp, mức tiêu dùng cuả dân chúng không sút giảm, hay chỉ suất giảm một tỷ lệ nhỏ trong thời gian đầu, kể cả các trường hợp tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số mặt hàng trong định kỳ điều chỉnh.
Như vậy ta có thể kết luận rằng thuế giá trị gia tăng không phải là một nhân tố gây ra lạm phát, gây khó khăn trở ngại cho việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá mà trái lại, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đã góp phần ổn định giá cả, mở rộng lưu thông hàng hoá, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ý nghĩa của thuế giá trị gia tăng
– Thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa trong việc điều tiết thu nhập của tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng.
– Đây là một khoản thu quan trọng của Ngân sách nhà nước, tạo được nguồn thu lớn và tương đối ổn định trong Ngân sách nhà nước.
– Khuyến khích xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, thúc đẩy việc thực hiện chế độ hạch toán, sử dụng hóa đơn.
– Việc khấu trừ thuế đã nộp ở đầu vào có tác dụng khuyến khích hiện đại hoá, chuyên môn hoá sản xuất, tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị mới để hạ giá thành sản phẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về khái niệm thuế gtgt Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.