Hợp đồng kiểm toán

hợp đồng kiểm toán

Kiểm toán là việc kiểm tra, xác minh tính trung thực của báo cáo tài chính, qua đó cung cấp những thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó, báo cáo tài chính bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, các chính sách kế toán quan trọng và các thuyết minh khác. Vậy mẫu hợp đồng kiểm toán được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu nhé!

Hợp đồng kiểm toán là gì?

Theo điều 42 Luật Kiểm toán độc lập và chuẩn mực 210, có quy định về hợp đồng kiểm toán.

– Theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập (Điều 42):

Hợp đồng kiểm toán: Là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam với khách hàng về việc thực hiện dịch vụ kiểm toán. Hợp đồng kiểm toán được lập thành văn bản.

– Theo quy định của Chuẩn mực 210: Hợp đồng kiểm toán: Là sự thoả thuận bằng văn bản giữa các bên tham gia ký kết (doanh nghiệp kiểm toán, khách hàng) về các điều khoản và điều kiện thực hiện kiểm toán của khách hàng và doanh nghiệp kiểm toán, trong đó xác định mục tiêu, phạm vi kiểm toán, quyền và trách nhiệm của mỗi bên, hình thức báo cáo kiểm toán, thời gian thực hiện và các điều khoản về phí, về xử lý khi tranh chấp hợp đồng

Quy trình kiểm toán được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Điều 45 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về quy trình kiểm toán như sau:

“Điều 45. Quy trình kiểm toán

Quy trình cuộc kiểm toán gồm các bước sau đây:

a) Chấp nhận, duy trì khách hàng và lập kế hoạch kiểm toán;

b) Thực hiện kiểm toán;

c) Kết thúc kiểm toán, lập báo cáo kiểm toán và xử lý sau kiểm toán.

Kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện các bước của quy trình kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán.”

Quy định về hợp đồng kiểm toán

Hợp đồng kiểm toán được quy định tại Mục II Thông tư 67/2015/TT-BTC ban hành Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành do Bộ Tài chính ban hành, cụ thể như sau:

– Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán phải vận dụng phù hợp các quy định của pháp luật về hợp đồng, các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 – Hợp đồng kiểm toán trong việc thỏa thuận và thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, dưới đây là một số nội dung chủ yếu (xem hướng dẫn tại đoạn A4-A5 Chuẩn mực này):

+ Hợp đồng kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành phải được giao kết bằng văn bản giữa doanh nghiệp kiểm toán với khách hàng (đơn vị được kiểm toán) trước khi thực hiện kiểm toán;

+ Hợp đồng kiểm toán có thể giao kết trước khi dự án hoàn thành;

+ Hợp đồng kiểm toán phải xác định rõ nội dung và phạm vi công việc, quyền và trách nhiệm của các bên, tiến độ thực hiện, báo cáo kiểm toán, phí dịch vụ và điều khoản thanh toán.

Hợp đồng kiểm toán có bắt buộc phải ký dưới hình thức hợp đồng trọn gói không?

Vấn đề của bạn có thể hiểu là việc công ty A đang thuê một công ty khác kinh doanh dịch vụ kiểm toán (B) để thực hiện việc kiểm toán.

Theo quy định tại Điều 42 Luật Kiểm toán độc lập 2011 quy định về hợp đồng kiểm toán như sau:

“Điều 42. Hợp đồng kiểm toán

Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam thực hiện dịch vụ kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán.

Hợp đồng kiểm toán là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam với khách hàng về việc thực hiện dịch vụ kiểm toán. Hợp đồng kiểm toán được lập thành văn bản và có những nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của khách hàng hoặc người đại diện của khách hàng, đại diện của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam;

b) Mục đích, phạm vi và nội dung dịch vụ kiểm toán, thời hạn thực hiện hợp đồng kiểm toán;

c) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên;

d) Hình thức báo cáo kiểm toán và các hình thức khác thể hiện kết quả kiểm toán như thư quản lý và báo cáo khác;

đ) Phí dịch vụ kiểm toán và chi phí khác do các bên thỏa thuận.”

Dựa trên quy định của Luật Kiểm toán độc lập 2011 và các văn bản hướng dẫn thì không thấy có quy định đối với hợp đồng kiểm toán bắt buộc phải ký dưới hình thức hợp đồng trọn gói, mà việc này là do hai bên thỏa thuận với nhau.

Như vậy, đơn vị được kiểm toán (công ty A) thuê đơn vị kiểm toán (công ty B) thực hiện việc kiểm toán thông qua hợp đồng kiểm toán dựa trên sự thỏa thuận của hai bên khi thực hiện dịch vụ này, trong đó có bao gồm phí dịch vụ kiểm toán và chi phí khác do các bên thỏa thuận với nhau.

Mẫu hợp đồng kiểm toán

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———o0o———

Số:         / HĐKT

      …, ngày … tháng … năm …

  

HỢP ĐỒNG KIỂM TOÁN

(V/v: Kiểm toán báo cáo tài chính năm tài chính kết thúc ngày …/…/…của ……………)

Căn cứ Bộ luật dân sự số  91/2015/QH13 ngày 24/11/2015;

Căn cứ Luật thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 ngày 29/3/2011;

Căn cứ Nghị định 17/2012/NĐ – CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật kiểm toán độc lập;

Căn cứ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 về Hợp đồng kiểm toán;

Hợp đồng này được lập bởi và giữa các bên:

BÊN A : ……………………………………..

Người đại diện               : ……………………………………….

Chức vụ                           : ……………………………………….

(Theo Giấy ủy quyền số …………………………ngày ……………..)(nếu là Phó Giám đốc)

Địa chỉ                             : ……………………………………….

Email                                : …………………; Tel ………………; Fax: …………

Mã số thuế                       : ……………………………………….

Tài khoản số                   : ……………………………………….

Tại Ngân hàng                 : ……………………………………….

BÊN B: CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN ABC

Người đại diện              : ……………………………………….

Chức vụ                           : ……………………………………….

(Theo Giấy ủy quyền số …………………………ngày ……………..)(nếu là Phó Giám đốc)

Địa chỉ                             : ……………………………………….

Email                                : …………………; Tel ………………; Fax: …………

Mã số thuế                       : ……………………………………….

Tài khoản số                   : ……………………………………….

Tại Ngân hàng                 : ……………………………………….

ĐIỀU 1 : NỘI DUNG HỢP ĐỒNG

Bên B đồng ý cung cấp cho bên A dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính của bên A cho năm tài chính kết thúc ngày ……/…../……, bao gồm Bảng cân đối kế toán tại ngày ……. tháng ………năm …….., Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (nếu có), Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Bản thuyết minh báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc cùng ngày. Cuộc kiểm toán của bên B được thực hiện với mục tiêu đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính của bên A.

ĐIỀU 2: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

Trách nhiệm của bên A:

Cuộc kiểm toán của bên B sẽ được thực hiện trên cơ sở Ban Giám đốc và Ban quản trị của bên A (trong phạm vi phù hợp) hiểu và thừa nhận có trách nhiệm:

(a)     Đối với việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực và hợp lý, phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng;

(b)    Đối với kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn; 

(c)     Đảm bảo cung cấp kịp thời cho bên B:

(i)      Quyền tiếp cận với tất cả tài liệu, thông tin mà Ban Giám đốc nhận thấy là có liên quan đến quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính như chứng từ kế toán, sổ kế toán, tài liệu và các vấn đề khác;

(ii)     Các thông tin bổ sung mà kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán yêu cầu Ban Giám đốc cung cấp hoặc giải trình để phục vụ cho mục đích của cuộc kiểm toán;

(iii)    Quyền tiếp cận không hạn chế đối với nhân sự của bên A mà kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán xác định là cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán. Bố trí nhân sự liên quan cùng làm việc với bên B trong quá trình kiểm toán.

Ban Giám đốc và Ban quản trị của bên A (trong phạm vi phù hợp) có trách nhiệm cung cấp và xác nhận bằng văn bản về các giải trình đã cung cấp trong quá trình kiểm toán vào “Thư giải trình của Ban Giám đốc và Ban quản trị”, một trong những yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Ban Giám đốc bên A trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính và khẳng định rằng ảnh hưởng của từng sai sót, cũng như tổng hợp các sai sót không được điều chỉnh do bên B phát hiện và tổng hợp trong quá trình kiểm toán cho kỳ hiện tại và các sai sót liên quan đến các kỳ trước là không trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.

hợp đồng kiểm toán
hợp đồng kiểm toán

Tạo điều kiện thuận tiện cho các nhân viên của bên B trong quá trình làm việc tại Văn phòng của bên A.

Thanh toán đầy đủ phí dịch vụ kiểm toán và các phí khác (nếu có) cho bên B theo quy định tại Điều 4 của hợp đồng này.

Trách nhiệm của bên B:

Bên B sẽ thực hiện công việc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, pháp luật và các quy định có liên quan. Các chuẩn mực kiểm toán này quy định bên B phải tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, phải lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu hay không. Trong cuộc kiểm toán, bên B sẽ thực hiện các thủ tục để thu thập bằng chứng kiểm toán về số liệu và thông tin trình bày trong báo cáo tài chính. Các thủ tục được thực hiện tùy thuộc vào đánh giá của kiểm toán viên, bao gồm việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính do gian lận hoặc do nhầm lẫn. Cuộc kiểm toán cũng bao gồm việc đánh giá sự phù hợp của các chính sách kế toán đã được sử dụng và các ước tính kế toán của Ban Giám đốc, cũng như đánh giá cách trình bày tổng quát của báo cáo tài chính.

Bên B có trách nhiệm thông báo cho bên A về nội dung và kế hoạch kiểm toán, cử kiểm toán viên và các trợ lý có năng lực và kinh nghiệm thực hiện kiểm toán.

Bên B thực hiện công việc kiểm toán theo nguyên tắc độc lập, khách quan và bảo mật số liệu. Theo đó bên B không được quyền tiết lộ cho bất kỳ một bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý của bên A, ngoại trừ theo yêu cầu của pháp luật và các quy định có liên quan, hoặc trong trường hợp những thông tin như trên đã được các cơ quan quản lý Nhà nước phổ biến rộng rãi hoặc đã được bên A công bố.

Bên B có trách nhiệm yêu cầu bên A xác nhận các giải trình đã cung cấp cho bên B trong quá trình thực hiện kiểm toán. Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, việc đáp ứng các yêu cầu này và Thư giải trình của Ban Giám đốc và Ban quản trị bên A về những vấn đề liên quan là một trong những cơ sở để bên B đưa ra ý kiến của mình về báo cáo tài chính của bên A.

Do những hạn chế vốn có của kiểm toán cũng như của kiểm soát nội bộ, có rủi ro khó tránh khỏi là kiểm toán viên có thể không phát hiện được các sai sót trọng yếu, mặc dù cuộc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.

Để đánh giá rủi ro, bên B sẽ xem xét kiểm soát nội bộ mà bên A sử dụng trong quá trình lập báo cáo tài chính để thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp trong từng trường hợp, nhưng không nhằm mục đích đưa ra ý kiến về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ của bên A. Tuy nhiên, bên B sẽ thông báo tới bên A bằng văn bản về bất kỳ khiếm khuyết nào trong kiểm soát nội bộ mà bên B phát hiện được trong quá trình kiểm toán báo cáo tài chính.

ĐIỀU 3: BÁO CÁO KIỂM TOÁN

Sau khi kết thúc kiểm toán, bên B sẽ cung cấp cho bên A ……….. bộ báo cáo kiểm toán kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bằng tiếng Việt, …………. bộ báo cáo kiểm toán kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán bằng tiếng (Anh); ………….. bộ Thư quản lý bằng tiếng Việt (nếu có) và ………….. bộ Thư quản lý bằng tiếng (Anh – nếu có), đề cập đến các thiếu sót cần khắc phục và các đề xuất của kiểm toán viên nhằm hoàn thiện hệ thống kế toán và hệ thống kiểm soát nội bộ của bên A.

Báo cáo kiểm toán sẽ được lập bằng văn bản, gồm các nội dung theo quy định của Luật kiểm toán độc lập, Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700, các chuẩn mực kiểm toán và quy định pháp lý khác có liên quan.

Trong trường hợp bên A dự định phát hành báo cáo kiểm toán của bên B dưới bất kỳ dạng tài liệu nào, hoặc phát hành các tài liệu trong đó có các thông tin về báo cáo tài chính đã được kiểm toán, Ban Giám đốc bên A đồng ý rằng họ sẽ cung cấp cho bên B một bản của tài liệu này và chỉ phổ biến rộng rãi các tài liệu này sau khi có sự đồng ý của bên B bằng văn bản.

ĐIỀU 4 : PHÍ DỊCH VỤ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN

Phí dịch vụ

Tổng phí dịch vụ cho các dịch vụ nêu tại Điều 1 là: ……………. VND (bằng chữ: …………).

Phí dịch vụ đã bao gồm (hoặc chưa bao gồm) chi phí đi lại, ăn ở và phụ phí khác và chưa bao gồm 10% thuế GTGT.

Điều khoản thanh toán (theo thỏa thuận):

Phí kiểm toán sẽ được thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của bên B.

Bên B sẽ phát hành hóa đơn GTGT cho bên A khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ, phù hợp với quy định của pháp luật thuế hiện hành.

ĐIỀU 5: CAM KẾT THỰC HIỆN

Hai bên cam kết thực hiện tất cả các điều khoản đã ghi trong hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, hai bên phải kịp thời thông báo cho nhau để cùng tìm phương án giải quyết. Mọi thay đổi phải được thông báo trực tiếp cho mỗi bên bằng văn bản (hoặc qua email) theo địa chỉ trên đây.

Thời gian hoàn thành cuộc kiểm toán dự kiến là ……………… ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực (hoặc ngày bắt đầu thực hiện cuộc kiểm toán).

Mọi tranh chấp hoặc khiếu kiện phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ được giải quyết bằng thương lượng hoặc theo Bộ luật dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại tòa án kinh tế do hai bên lựa chọn.

ĐIỀU 6: HIỆU LỰC, NGÔN NGỮ VÀ THỜI HẠN HỢP ĐỒNG

Hợp đồng này được lập thành ……….. bản (…………… bản tiếng Việt và …………. bản tiếng (Anh), mỗi bên giữ ……….. bản tiếng Việt và ……….. bản tiếng (Anh), có giá trị như nhau và có hiệu lực kể từ ngày có đủ chữ ký, con dấu của cả hai bên.

Hợp đồng này tự động được thanh lý sau khi bên A và bên B đã hoàn thành trách nhiệm của mỗi bên.

Đại diện bên A

(Chữ ký, họ tên, đóng dấu)

 

Đại diện bên B

(Chữ ký, họ tên, đóng dấu)

 

Chấp nhận thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán

– Việc đơn vị được kiểm toán yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán thay đổi các điều khoản của hợp đồng kiểm toán có thể xuất phát từ các lý do như: có thay đổi về hoàn cảnh thực tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dịch vụ kiểm toán, có sự hiểu nhầm về nội dung kiểm toán so với yêu cầu đơn vị đặt ra ban đầu, hoặc có giới hạn về phạm vi kiểm toán. Theo quy định tại đoạn 14 Chuẩn mực này, doanh nghiệp kiểm toán phải xem xét kỹ lưỡng lý do dẫn đến yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán, đặc biệt là đối với những yêu cầu làm giới hạn phạm vi kiểm toán.

– Yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán có thể được coi là hợp lý nếu xuất phát từ thay đổi về hoàn cảnh thực tế làm ảnh hưởng đến nhu cầu đối với dịch vụ kiểm toán hoặc xuất phát từ sự hiểu nhầm về nội dung kiểm toán so với yêu cầu đơn vị đặt ra ban đầu.

– Ngược lại, yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng kiểm toán không được coi là hợp lý nếu xuất phát từ những thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc không thỏa đáng. Ví dụ, trong quá trình thực hiện hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến khoản nợ phải thu và đơn vị được kiểm toán yêu cầu chuyển đổi dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét để tránh báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến.

– Nếu xét thấy lý do của việc chuyển đổi dịch vụ kiểm toán thành dịch vụ soát xét hoặc một dịch vụ liên quan khác là hợp lý, kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán có thể sử dụng kết quả công việc kiểm toán đã thực hiện cho đến ngày chuyển đổi để phục vụ cho việc thực hiện dịch vụ mới đó, tuy nhiên, các công việc cần thực hiện và báo cáo phát hành phải phù hợp với dịch vụ mới chuyển đổi. Để tránh hiểu nhầm cho người sử dụng báo cáo, báo cáo của dịch vụ mới chuyển đổi này không được tham chiếu đến:

+ Hợp đồng kiểm toán ban đầu;

+ Bất kỳ thủ tục nào đã được thực hiện theo hợp đồng kiểm toán ban đầu, trừ khi hợp đồng kiểm toán được thay đổi thành hợp đồng kiểm tra trên cơ sở các thủ tục thỏa thuận trước và việc tham chiếu đến các thủ tục đã thực hiện là yêu cầu bắt buộc của báo cáo.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về hợp đồng kiểm toán Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139