Điều kiện và hồ sơ hoàn thuế gtgt hàng xuất khẩu là thông tin mà nhiều kế toán ở các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu cần chú ý rõ về vấn đề hoàn thuế để việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như đảm bảo nhận được quyền lợi hợp pháp khi đóng thuế cho nhà nước.
Các trường hợp được hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu
Điều 1, Thông tư 130/2016 quy định: Hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 0%. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn phải kê khai thuế GTGT như bình thường, thuế GTGT đầu vào phục vụ sản xuất hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được khấu trừ và hoàn thuế. Cụ thể:
Doanh nghiệp xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo kỳ kê khai thuế; Nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trong kỳ chưa đủ 300 triệu đồng thì doanh nghiệp được chuyển sang khấu trừ các kỳ tiếp theo (Theo điều 2 thông tư 25/2018/TT-BTC);
Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu
Có hợp đồng hợp pháp: doanh nghiệp phải cung cấp được một trong các loại hợp đồng sau và phải đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng:
Hợp đồng bán hàng hóa
Hợp đồng gia công hàng hóa
Hợp đồng cung ứng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức nước ngoài
Hợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng ủy thác xuất khẩu (đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ đầy đủ các số liệu giữa hai bên (bên ủy thác và bên nhận ủy thác)
Có chứng từ thanh toán hợp pháp thực hiện qua ngân hàng, cụ thể là Giấy báo có của ngân hàng bên xuất khẩu với nội dung phản ánh số tiền nhận được từ TKNH của bên nhập khẩu
Chứng từ thanh toán tiền hàng/dịch vụ xuất khẩu
Chứng từ thanh toán qua ngân hàng của phía nước ngoài cho bên nhận ủy thác và bên nhận ủy thác phải thanh toán tiền hàng qua ngân hàng cho bên ủy thác
Tờ khai hải quan:
Để được hoàn thuế xuất nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu phải hoàn thiện thủ tục hải quan và có tờ khai hải quan theo hướng dẫn của Bộ tài chính về thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Có hóa đơn hợp pháp:
Một trong những điều kiện hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu là hàng hóa phải có Hóa đơn thương mại. Ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.
Hồ sơ, thủ tục hoàn thuế
Bước 1: Lập và gửi hồ sơ hoàn thuế
Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính) (sau đây gọi là Thông tư số 156/2013/TT-BTC).
Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính. Cụ thể:
– Người nộp thuế gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế kể từ thời Điểm cơ quan thuế chấp nhận giao dịch hoàn thuế điện tử theo quy định tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi là Thông tư số 110/2015/TT-BTC).
– Người nộp thuế gửi trực tiếp hồ sơ hoàn thuế bằng giấy hoặc gửi qua đường bưu chính đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế.
Lưu ý: Ngoài hồ sơ trên, doanh nghiệp cần chuẩn bị toàn bộ tờ khai thuế GTGT, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng và những giấy tờ khác có liên quan đến thời hạn và phạm vi hoàn thuế để phục vụ cho công tác kiểm tra trước và sau hoàn thuế của cơ quan thuế.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế
Cơ quan thuế tiến hành tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử/hoặc hồ sơ hoàn thuế bản giấy theo quy định tại Điều 11 Thông tư 99/2016/TT-BTC hướng dẫn về quản lý hoàn thuế.
Bước 3: Phân loại hồ sơ hoàn thuế
a) Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau là hồ sơ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Hoàn thuế theo quy định của Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần của các hãng vận tải nước ngoài.
– Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu.
Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế gửi cơ quan quản lý thuế lần đầu nhưng không thuộc diện được hoàn thuế theo quy định thì lần đề nghị hoàn thuế kế tiếp vẫn xác định là đề nghị hoàn thuế lần đầu.
– Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ thời Điểm bị cơ quan quản lý thuế xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận về thuế.
– Người nộp thuế sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ thời Điểm bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.
– Người nộp thuế thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế là các trường hợp người nộp thuế được đánh giá xếp hạng rủi ro cao, rủi ro rất cao, người nộp thuế có thời gian hoạt động dưới 12 tháng hướng dẫn tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC.
– Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng.
– Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau là hồ sơ không thuộc các trường hợp nêu trên.
Bước 4: Kiểm tra, xác định số thuế GTGT được hoàn
+ Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau
Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế và thông tin về người nộp thuế do cơ quan thuế quản lý tại cơ sở dữ liệu hoàn thuế giá trị gia tăng để kiểm tra đối tượng và trường hợp được hoàn thuế, cụ thể:
a) Trường hợp hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không thuộc đối tượng và trường hợp hoàn thuế theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế, trong thời hạn chậm nhất không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không được hoàn thuế (mẫu số 02/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC) gửi cho người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế thực hiện hoàn thuế điện tử, Thông báo được gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
b) Trường hợp hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn thuế, cơ quan thuế thực hiện đối chiếu số tiền thuế giá trị gia tăng đề nghị hoàn tại hồ sơ hoàn thuế với hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn phải đảm bảo đã được khai thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 ngày 19/6/2013 (sau đây gọi là Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13) và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Trường hợp chưa đủ thông tin để xác định hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn thuế, cơ quan thuế lập và gửi Thông báo giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu (mẫu số 01/KTTT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC) theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Thông tư 156/2013/TT-BTC gửi người nộp thuế trong thời hạn chậm nhất không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế thực hiện hoàn thuế điện tử, Thông báo được gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế có Thông báo, người nộp thuế có trách nhiệm gửi các giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế. Quá thời hạn nêu trên, cơ quan thuế chuyển hồ sơ hoàn thuế sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
+ Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau
a) Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định tại các Điều 78, Điều 79, Điều 80 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo quy trình kiểm tra thuế, quy trình thanh tra của ngành thuế. Căn cứ kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế, cơ quan thuế xác định số thuế được hoàn của người nộp thuế. Số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn phải đảm bảo đã được khai thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành; đảm bảo Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế quy định tại Khoản 6, Khoản 7 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng số 31/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Trong quá trình thực hiện kiểm tra thuế, thanh tra thuế, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư này để có căn cứ xác định số tiền thuế giá trị gia tăng đủ Điều kiện hoàn của người nộp thuế.
Bước 5: Xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ được bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn
Cơ quan thuế có trách nhiệm xác định số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các Khoản thu khác còn nợ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tiền thuế nợ) để thực hiện bù trừ với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn của người nộp thuế.
Bước 6: Đề xuất hoàn thuế
– Cơ quan thuế căn cứ kết quả xác định số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn, số tiền thuế giá trị gia tăng không được hoàn, số tiền thuế nợ phải bù trừ, số tiền thuế giá trị gia tăng còn được hoàn trả cho người nộp thuế, thực hiện lập đề xuất hoàn thuế và dự thảo Quyết định hoàn thuế (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước), Thông báo về việc không được hoàn thuế (nếu có).
– Cơ quan thuế phải tổ chức kiểm tra, cập nhật trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế đối với: hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng, hồ sơ hoàn thuế, Biên bản kiểm tra hoàn thuế (nếu có), Quyết định về việc xử lý thuế qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế (nếu có), Phiếu đề xuất hoàn thuế, dự thảo Quyết định hoàn thuế (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước), Thông báo về việc không được hoàn thuế (nếu có).
Bước 7: Thẩm định hồ sơ hoàn thuế
Cơ quan thuế thực hiện thẩm định hồ sơ hoàn thuế
Bước 8: Giám sát hồ sơ hoàn thuế
Cơ quan thuế thực hiện giám sát hồ sơ hoàn thuế
Bước 9: Chi hoàn thuế
– Căn cứ Quyết định hoàn thuế/ Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước, Cục Thuế thực hiện lập Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước gửi Kho bạc nhà nước cấp tỉnh kèm theo Quyết định hoàn thuế/Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước.
– Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh tiếp nhận Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước và Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ Khoản thu ngân sách nhà nước) do Cục Thuế gửi đến, thực hiện các nội dung sau:
+ Đối chiếu Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước và Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước), đảm bảo thống nhất thông tin về số tiền, tên người nộp thuế được nhận tiền hoàn thuế, địa chỉ ngân hàng, thông tin về tài Khoản và ngân hàng; thông tin hạch toán thu ngân sách nhà nước.
+ Kiểm tra tính hợp pháp của Lệnh hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước đảm bảo khớp đúng mẫu dấu, chữ ký (hoặc kiểm tra việc xác thực thành công chữ ký điện tử bằng hệ thống thông tin của Kho bạc Nhà nước).
+ Thực hiện hoàn thuế cho người nộp thuế trong thời hạn 1 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước/ Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế chuyển đến.
Bước 10: Kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về hồ sơ hoàn thuế gtgt hàng xuất khẩu Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.