Điều 187 Bộ luật hình sự quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Điều 187 Bộ luật hình sự quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Căn cứ pháp lý tại Điều 187 Bộ luật hình sự

Điều 187 Bộ luật hình sự quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại như sau:

1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trường hợp được phép mang thai hộ

Để thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cả bên mang thai và bên nhờ mang thai phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định, được quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 95. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

4. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.”

Pháp luật đã dành riêng Chương V trong Nghị định 10/2015/NĐ-CP để hướng dẫn Điều này tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Dấu hiệu pháp lý tại Điều 187 Bộ luật hình sự

Khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kĩ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ trong trường hợp cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn mong muốn có một đứa con.

Mặt khách quan của tội phạm

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi tổ chức mang thai hộ, hành vi này bao gồm nhiều hành vi khác nhau:

– Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để thực hiện việc mang thai hộ;

– Tìm người có khả năng mang thai để thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại và tìm các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có nhu cầu tìm người mang thai hộ;

– Chuẩn bị các điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể thuận lợi sinh đứa trẻ ra.

Trường hợp có hành vi này không vì mục đích thương mại mà vì mục đích nhân đạo thì người thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Cấu thành tội phạm là cấu thành hình thức. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hậu quả có thể là người mang thai hộ có bầu hoặc đã sinh con. Như vậy, tội phạm hoàn thành khi có hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại xảy ra.

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, nhưng không phải ai thực hiện hành vi này cũng là chủ thể của tội phạm này, mà chỉ những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định mới là chủ thể của tội phạm.

Chủ thể của tội phạm phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên vì tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thuộc loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ thể của tội phạm cũng phải có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự gồm năng lực nhận thức hoặc năng lực làm chủ hành vi. Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi khi không có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ có thể được xem xét loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Chủ thể của tội phạm có thể là bất kì ai, có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Hành vi này không có nghĩa là phải nhiều người cùng tham gia thực hiện hành vi mà chủ thể của tội phạm có thể chỉ là một cá nhân đứng ra thực hiện tất cả các hành vi phạm tội.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc là lỗi cố ý gián tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp tức là người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hậu quả của hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, không mong muốn hậu quả của nó xảy ra nhưng vì lợi nhuận mà để mặc hậu quả mang thai hộ xảy ra.

Mục đích của tội phạm này là thương mại, kiếm lợi nhuận từ việc mang thai hộ.

Điều 187 Bộ luật hình sự quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Điều 187 Bộ luật hình sự quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Hình phạt tại Điều 187 Bộ luật hình sự

Điều 187 Bộ luật Hình sự quy định 03 khung hình phạt đối với người thực hiện tội phạm như sau:

– Khung hình phạt 1 phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.

– Khung hình phạt 2 phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

– Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tội phạm theo tại Điều 187 Bộ luật hình sự. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì về vấn đề này, quý khách có thể liên hệ với Luật Trần và Liên Danh để được hỗ trợ nhanh nhất.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139