Việt Nam là một trong số những quốc gia mà người dân rất quan tâm đến tương lai giáo dục của con em nên sẵn sàng đầu tư cho nền tảng giáo dục và đào tạo. Dịch vụ đào tạo không là một khái niệm quá mới mẻ, đây là hoạt động có tổ chức, diễn ra trong những khoảng thời gian xác định với mục đích giúp lao động nắm rõ hơn nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng tại vị trí công việc hiện tại.
Đồng thời, đào tạo bổ sung những kỹ năng, kiến thức thiếu hụt để kết quả công việc nhận được kết quả tốt nhất. Vậy, dịch vụ đào tạo có chịu thuế gtgt không? Đây là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Để trả lời câu hỏi này, cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Trần và Liên Danh.
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Thuế giá trị gia tăng là loại thuế được tính toán dựa trên phần giá trị tăng thêm của dịch vụ, hàng hóa phát sinh trong từng giai đoạn của toàn bộ quá trình bắt đầu từ sản xuất sang lưu thông và đến tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ đó.
Thuế giá trị gia tăng có thể ảnh hưởng tới sức tiêu dùng của công chúng. Xuất phát từ chỗ thuế giá trị gia tăng cấu thành trong giá bán (giá thanh toán), sức tiêu dùng của công chúng phụ thuộc vào quan hệ giữa thu nhập với giá cả hàng hoá dịch vụ. Tỉ trọng giữa giá cả và thu nhập của người chịu thuế càng cao, càng làm giảm cơ hội tiêu dùng trong công chúng.
Phân tích yếu tố này giúp cho cơ quan lập pháp tìm ra phương án tối ưu về cơ cấu sản xuất và tiêu dùng trong những giai đoạn nhất định. Nếu xét theo khía cạnh thuế với các chỉ số giá cả, đương nhiên cũng có mối liên quan nhất định. Số tiền thuế giá trị giá tăng trong giá bán làm thay đổi chỉ số giá cả, lạm phát trong những giai đoạn có sự thay đổi về thuế.
Xác định mối liên quan giữa loại thuế này với chỉ số giá cả, lạm phát có ý nghĩa đối với nhà lập pháp khi quyết định chính sách thuế suất hợp lí trong những giai đoạn nhất định để đảm bảo khi thực hiện thuế giá trị gia tăng không gây ra những xáo trộn lớn trong dân chúng. Việc áp dụng thành công thuế giá trị gia tăng tại Pháp được đánh giá là nhờ chính sách thuế suất hợp lí qua các giai đoạn cụ thể.
Ðối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định pháp luật
Điều 3 Luật thuế GTGT 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của luật thuế GTGT”.
Ðối tượng nộp thuế giá trị gia tăng bao gồm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc nhập khẩu hàng hoá chịu thuế là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng.
Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm:
Doanh nghiệp nhà nước;
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Các công ty nước ngoài và tổ chức nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
Doanh nghiệp tư nhân;
Công ty trách nhiệm hữu hạn;
Công ty cổ phần;
Hợp tác xã;
Tổ hợp tác;
Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác.
Cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, bao gồm những người có kinh doanh độc lập, hộ gia đình, cá nhân hợp tác với nhau để cùng sản xuất kinh doanh nhưng không hình thành pháp nhân kinh doanh.
Các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng?
Để trả lời câu hỏi Dịch vụ đào tạo có chịu thuế Giá trị gia tăng không? cần căn cứ vào Điều 5, Luật thuế giá trị gia tăng năm 2008 và Điều 4 – Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng. Tại Luật thuế giá trị gia tăng, khoản 13 Điều 5 quy định: “Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật” là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng”.
Ngoài ra, tại khoản 13 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC có hướng dẫn về hoạt động dạy học, dạy nghề là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng như sau:
– Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
– Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.
– Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, cũng tại Thông tư 219/2013/TT – BTC có quy định về thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng hướng dẫn tại Điều 4 của thông tư không được khấu trừ, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như:
– Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh đó mua vào để sản xuất kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại được khấu trừ toàn bộ.
– Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.
Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hoạt động kinh doanh không chịu thuế GTGT
Theo điểm a Khoản 9 Điều 1 Thông Tư 26/2015/TT-BTC quy định:
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.
Như vậy, đối với hoạt động đào tạo doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào mà tính số thuế đầu vào đã trả vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Cách Khai Thuế GTGT
Đối với hóa đơn đầu ra không chịu thuế GTGT: Kê khai vào chỉ tiêu số 26 trên tờ khai 01/GTGT.
Đối với hóa đơn đầu vào không chịu thuế GTGT: Không phải kê khai (Công văn 4943/TCT-CS có nói rõ vấn đề này): “những hóa đơn đầu vào không chịu thuế giá trị gia tăng thì không phải kê khai trên bảng kê mua vào PL 01-2/GTGT theo quy định tại Thông Tư số 156/2013/TT-BTC và Thông Tư bổ sung 119/2014/TT-BTC”.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý nữa là hoạt động giáo dục cũng được hưởng ưu đãi về thuế TNDN.
Quy định về ưu đãi thuế TNDN trong hoạt động giáo dục
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 15, khoản 1 và khoản 2 Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp:
Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động được áp dụng với: Thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa tại lĩnh vực giáo dục – đào tạo dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và mội trường (được gọi là lĩnh vực xã hội hóa).
Miễn thuế 4 năm, giảm 50 % số thuế phải nộp trong vòng 5 năm tiếp theo: với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn mà không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy đinh của nhà nước.
Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng:
Theo phương pháp khấu trừ:
Doanh nghiệp (DN) có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên 1 tỷ đồng (nếu DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng nhưng tự nguyện vẫn được) thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ (Trừ hộ, cá nhân kinh doanh).
Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp này do Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thuế thay.
DN mới thành lập từ dự án đầu tư của DN (còn hoạt động).
Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ.
Công thức tính thuế GTGT đầu vào – đầu ra:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào
Số thuế GTGT đầu ra = Giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ bán ra x Thuế suất GTGT của hàng hóa dịch vụ đó
Số thuế GTGT phải nộp = (Giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ bán ra x Thuế suất GTGT của hàng hóa dịch vụ đó) – Số thuế GTGT đầu vào
Theo phương pháp trực tiếp:
Cá nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác (tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp…) không thực hiện (thực hiện không đầy đủ) thực hiện (không thực hiện) đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không theo Luật Đầu tư.
Công thức tính thuế GTGT đầu vào – đầu ra:
Số thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra x Thuế suất áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ
GTGT của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra = Giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra – Giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thắc mắc dịch vụ đào tạo có chịu thuế gtgt không? Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.