Khi công chứng bản dịch phải tuân thủ quy định như thế nào? Trách nhiệm của công chứng viên và người phiên dịch (cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng) được quy định như thế nào? Luật Trần và Liên Danh nghiên cứu và chia sẻ trong bài viết dưới đây:
Công chứng bản dịch là gì?
Tại Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau: “Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Như vậy, hoạt động công chứng bản dịch là hoạt động do cá nhân là công chứng viên thực hiện, các công chứng viên chứng nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Công chứng bản dịch ở đâu?
Như ở khái niệm công chứng nêu trên, thì hoạt động công chứng được thực hiện ở các tổ chức hành nghề công chứng. Và theo Luật Công chứng năm 2014 thì tổ chức hành nghề công chứng bao gồm:
– Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
– Văn phòng công chứng: đây là tổ chức hành nghề công chứng do các cá nhân đủ điều kiện thành lập, hay là tổ chức hành nghề công chứng ngoài công lập, văn phòng công chứng thành lập dưới dạng công ty hợp danh, và có từ hai thành viên hợp danh trở lên thành lập, không có thành viên góp vốn.
Hoạt động công chứng bản dịch do ai thực hiện:
Tại Điều 61 Luật Công chứng năm 2014 quy định như sau:
“Điều 61. Công chứng bản dịch
1. Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó.
Cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
2. Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
3. Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.”
Như vậy, hoạt động công chứng bản dịch do cộng tác viên là người phiên dịch và công chứng viên thực hiện. Trong đó, cộng tác viên sẽ thực hiện dịch các văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Và công chứng viên sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra, và ghi lời chứng của công chứng viên, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để công chứng bản dịch.
Các cộng tác viên là người phiên dịch là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài để dịch sang tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng Việt sang. Khi thực hiện hoạt động dịch thuật, thì cộng tác viên chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác cũng như sự phù hợp của nội dung bản dịch.
Đây là hoạt động bắt buộc vì nếu cá nhân dịch sai sẽ không đảm bảo được tính đúng đắn, tính đúng đắn của bản dịch.
Khi một cá nhân có nhu cầu dịch thuật, thì công chứng viên của phòng công chứng hoặc công chứng viên của văn phòng công chứng sẽ tiến hành tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch sang tiếng Việt hoặc dịch từ tiếng Việt sang. Tiếp đó công chứng viên thực hiện hoạt động kiểm tra tính đúng đắn, tính hợp pháp và thẩm quyền xem văn bản cần dịch có được dịch không.
Trong trường hợp công chứng viên phát hiện hoặc phải có nghĩa vụ viết văn bản cần dịch được cấp sai thẩm quyền, không hợp lệ hoặc là bản giả; văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc bị thêm hoặc bớt nội dung, bị hư hỏng, cũ nát khiến công chứng viên không thể đọc, xác định được nội dùng trong văn bản được yêu cầu dịch và trong trường hợp văn bản được yêu cầu dịch thuật thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến thì công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch.
Sau khi kiểm tra tính hợp lệ của văn bản, giấy tờ được yêu cầu dịch thì công chứng viên sẽ giao văn bản, giấy tờ được yêu cầu dịch cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Khi nhận được giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thì cộng tác viên là người phiên dịch sẽ tiến hành dịch văn bản, giấy tờ từ tiếng Việt sang ngôn ngữ yêu cầu hoặc người lại. Trước khi đưa bản dịch cho công chứng viên ghi lời chứng thì phiên dịch viên phải ký tên vào từng trang của bản dịch.
Công chứng viên sau khi nhận được bản dịch sẽ tiến hành kiểm tra, ghi lời chứng của công chứng viên.
Lời chứng của công chứng viên là một bộ phận của văn bản công chứng. Hiện tại, theo hướng dẫn của Thông tư số 01/2021/TT- BTP ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ Tư pháp ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng thì lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch là Mẫu TP- CC- 26 với nội dung như sau:
“LỜI CHỨNG CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN
Hôm nay, ngày ….. tháng …… năm ….. (1)
Tại … (2), địa chỉ tại….. (3)
Tôi …. (4), công chứng viên, trong phạm vi trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật,
CHỨNG NHẬN:
– Bản dịch này do Ông/Bà …….(5), cộng tác viên phiên dịch của ……..(2), tỉnh (thành phố)…… (6) dịch từ tiếng …… sang tiếng …..;
– Chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của Ông/Bà……. (5);
– Nội dung bản dịch chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
– Văn bản công chứng này được lập thành…… (7) bản chính, mỗi bản gồm …. tờ, …… trang (8), lưu 01 bản tại …..(2), tỉnh (thành phố) …..(6)
Số công chứng …, quyển số ……/…..TP/CC-SCC/BD (9)
CÔNG CHỨNG VIÊN (10)
Mức phí khi dịch thuật và công chứng bản dịch:
Đối với phí dịch thuật, thì tùy vào từng ngôn ngữ cũng như tính chất văn bản mà mỗi phòng công chứng, văn phòng công chứng sẽ có một mức giá khác nhau.
Còn về phí công chứng bản dịch thì trong Thông tư số 257/2016/TT- BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 111/2017/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ Tài chính thì:
“Phí công chứng bản dịch: 10 nghìn đồng/trang với bản dịch thứ nhất.
Trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ 2 trở lên thu 05 nghìn đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ 2; từ trang thứ 3 trở lên thu 03 nghìn đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200 nghìn đồng/bản.” (Khoản 6 Điều 4)
Như vậy, trong trường hợp công chứng một bản dịch duy nhất, thì phí công chứng sẽ tính theo số trang, mỗi trang sẽ có giá như nhau đó chính là 10 nghìn đồng một trang. Còn trong trường hợp công chứng nhiều bản dịch, thì giá tính sẽ giảm dần từ bản dịch thứ hai và các trang thứ 3 trở lên cũng được giảm giá. Ví dụ cần công chứng 2 bản dịch có 5 trang. T
hì bản dịch thứ nhất sẽ tính với giá là 10 nghìn đồng một trang, tức giá là 50 nghìn đồng.
Trong bản dịch thứ hai, thì trang thứ nhất, trang thứ hai sẽ tính với giá là 5.000 đồng/ trang, nên có giá là 10.000 đồng; từ trang thứ 3 trở lên, thì sẽ tính với mức giá là 3.000 đồng/trang, tức là 9.000 đồng. Vậy tổng phí công chứng là 50.000+ 10.000+ 9.000 đồng= 69.000 đồng.
Trách nhiệm của công chứng viên trong công chứng bản dịch
Công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thành của bản dịch so với văn bản gốc: Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Về tiêu chuẩn công chứng viên:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
– Có bằng cử nhân luật;
– Có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;
– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng; bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Công chứng viên phải tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp để bảo đảm tốt nhất tính an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức một cách nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu công chứng đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
– Công chứng viên sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu công chứng của người yêu cầu công chứng bằng cách luôn có mặt tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng trong giờ làm việc theo quy định của pháp luật.
– Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng; giải đáp một cách rõ ràng những thắc mắc của người yêu cầu công chứng nhằm đảm bảo cho hợp đồng, giao dịch đúng với ý chí của các bên giao kết hợp đồng, giao dịch; đảm bảo các bên có nhận thức đúng về pháp luật có liên quan và giá trị pháp lý của văn bản công chứng trước khi công chứng viên công chứng.
– Công chứng viên có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu công chứng các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên trong hành nghề công chứng theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng.
Những việc công chứng viên không được làm trong quan hệ với người yêu cầu công chứng
– Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng.
– Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác đã được quy định, xác định, thoả thuận.
– Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích vật chất nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng dẫn tới hậu quả gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng của người yêu cầu công chứng và các bên liên quan.
– Sử dụng thông tin biết được từ việc công chứng để mưu cầu lợi ích cá nhân.
– Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.
– Đưa ra những lời hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu công chứng hoặc tự ý thu tăng hoặc giảm phí công chứng, thù lao công chứng so với quy định và sự thỏa thuận.
– Công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan về mặt lợi ích giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng.
– Thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
– Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc người môi giới.
– Câu kết với người yêu cầu công chứng, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng và hồ sơ đã công chứng.
Trên đây là một số vấn đề về công chứng bản dịch chúng tôi giới thiệu đến quý khách hàng. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.