Quá cảnh là gì? Quá cảnh là thuật ngữ liên quan đến việc di chuyển, đi lại qua địa phận của một quốc gia khác. Hoạt động này liên quan đến vùng lãnh thổ của quốc gia khác nên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 sớm đã có quy định và điều chỉnh hoạt động này của các cuộc gia “đi qua” hoặc “bị đi qua”.
Quá cảnh là gì?
Hoạt động quá cảnh này đã được pháp luật quốc tế điều chỉnh từ rất sớm, cụ thể là trong Hiệp ước Baccelone năm 1921 định nghĩa : Quá cảnh được hiểu là hoạt động thể hiện dấu hiệu của một quốc gia này đi qua địa phận của một nước hay nhiều nước để tới một nước thứ ba mong muốn mà trong suốt quá trình di chuyển con người, hàng hóa, tàu thuyền được nhận biết và không bị khám xét, kiểm tra.
Tuy nhiên, đến năm 1982, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 mới quy định một cách cụ thể hơn về hoạt động “quá cảnh” này trong Điều 38 về Quyền quá cảnh như sau :
Thuật ngữ “quá cảnh” có nghĩa là việc thực hiện, theo đúng phần này, quyền tự do hàng hải và hàng không với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế. Tuy nhiên, đòi hỏi quá cảnh liên tục và nhanh chóng không ngăn cấm việc đi qua eo biển để đến lãnh thổ của một quốc gia ven eo biển, đẻ rời khỏi hoặc lại đến lãnh thỏ đó, theo các điều kiện cho phép đến lãnh thổ của quốc gia đó.
Như vậy, có thể hiểu một cách thông dụng là hoạt động của các phương tiện tàu thuyển, máy bay chuyên dụng của các quốc gia bay qua không phận hoặc thủy phận của một quốc gia thứ hai trên lộ trình đến với quốc gia thứ ba mong muốn vì các lợi ích và mục tiêu khác nhau. Hiện nay, hoạt động quá cảnh thường phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế, thương mại khi các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia hoặc các chuyến bay thương mại từ các quốc gia Châu Á sang Châu Âu thì thường phải quá cảnh tại một nước thứ ba hoặc ngược lại.
Quyền và nghĩa vụ của tàu thuyền và phương tiện bay trong khi quá cảnh?
Khi tàu biển, phương tiện bay của một quốc gia được cấp quyền đi qua và không bị khám xét, kiểm tra về con người hay hàng hóa thì quốc gia đó cần phải tuân thủ theo đúng những quyền và nghĩa vụ mà Công ước đặt ra làm khuôn khổ điều chỉnh chung cho các quốc gia cùng tham gia Công ước. Cụ thể quyền và nghĩa vụ cần đáp ứng như sau :
– Quyền quá cảnh của tàu biển và các phương tiện bay :
Đối với tất cả các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và giữa một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế thì tất cả các tàu thuyền và phương tiện bay đều được hưởng quyền quá cảnh mà không bị cản trở, trừ trường hợp hạn chế là quyền đó không được áp dụng cho các eo biển do lãnh thổ đất liền của một quốc gia và một hòn đảo thuộc quốc gia này tạo thành, khi ở ngoài khơi hòn đảo đó có một con đường đi trên biển cả, hay có một con đường đi qua một vùng đặc quyền kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn.
– Nghĩa vụ quá cảnh của tàu biển và các phương tiện bay :
Trong khi thực hiện quyền quá cảnh thì các tàu biển và phương tiện bay cần lưu ý những vấn đề sau :
Đi qua hay bay qua eo biển không chậm trễ ;
Không được đe doạ hay dùng vũ lực để chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia ven eo biển hay dùng mọi cách khác trái với các nguyên tắc pháp luật quốc tế được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc ;
Không được có hoạt động nào khác ngoài những hoạt động cần cho sự quá cảnh liên tục và nhanh chóng, theo phương thức đi bình thường, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trong trường hợp khẩn cấp ;
Bên sử dụng tàu biển, phương tiện bay qua vùng các vùng lãnh thổ cần tuân thủ theo các quy định pháp luật khác của Công ước Liên hợp quốc hướng dẫn.
Trong khi quá cảnh đối với tàu thuyền cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau :
Các quy định, thủ tục và tập quán quốc tế đã được chấp nhận chung về mặt an toàn hàng hải, nhất là các quy tắc quốc tế để phòng ngừa các va chạm không đang có cho tàu thuyền tham gia lưu thông đường biển ;
Các quy định, thủ tục và tập quán quốc tế đã được chấp nhận chung nhằm ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường do các tàu thuyền gây ra trong quá trình lưu thông trên đường biển ;
Ngoài ra, trong quá trình quá cảnh thì các tàu thuyền nước ngoài, kể cả tàu thuyền chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học biển hay cho đo đạc thủy văn, không được dùng để nghiên cứu, đo đạc nếu không có văn bản xin phép hoặc không được cấp phép trước của các quốc gia ven eo biển.
Nguyên tắc trong khi quá cảnh đối với các phương tiện bay được quy định như sau :
Tôn trọng các quy định về hàng không do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế đề ra để áp dụng cho các phương tiện bay dân dụng; trong điều kiện thông thường, các phương tiện bay của Nhà nước phải tuân thủ các biện pháp an toàn do các quy định này đề ra và khi hoạt động vào bất kỳ lúc nào, các phương tiện bay cũng phải chú ý đến an toàn hàng không ;
Ngoài ra, những chủ thể tham gia trực tiếp điều khiển phương tiện bay hoặc có nhiệm vụ tham gia điều hành từ xa cần theo dõi tần số điện đài mà cơ quan có thẩm quyền được quốc tế chỉ định làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông hàng không đã phân bổ, hoặc tần số quốc tế về nguy cấp.
Tại sao phải quá cảnh vào nước thứ ba?
Căn cứ theo hình thức, phương tiện di chuyển cũng như về địa phận lãnh thổ của mỗi quốc gia có thể chia quá cảnh thành ba hình thức như sau :
– Quá cảnh đường bộ ;
– Quá cảnh đường biển ;
– Quá cảnh đường hàng không.
Tùy theo từng hình thức và cách thức di chuyển mà các lý do quá cảnh là khác nhau :
– Thông thường, tuyến đường bộ vận chuyển quá cảnh hàng hóa bao gồm các tuyến quốc lộ theo mỗi quốc gia và được quốc gia đó cấp phép thông hành. Tại mỗi đầu tuyến quốc lộ giao thoa giữa hai quốc gia sẽ có các chốt cửa khẩu để giám sát hoạt động thông hành, quá cảnh sang đất nước khác. Hiện nay, hoạt động quá cảnh đường bộ thường được áp dụng đối với hoạt động thương mại giữa các nước láng giềng xoay quanh khu vực hoặc đối với các quốc gia không có đường biển hoặc không thể áp dụng hinh thức đường hàng không được. Để thực hiện quá cảnh đường bộ qua một quốc gia thì cần xin giấy phép liên vận của quốc gia quá cảnh.
Ở Việt Nam hiện nay hình thức quá cảnh qua đường bộ chủ yếu là các thương nhân, tiểu thương hoặc doanh nghiệp buôn bán và nhập hàng hóa từ các quốc gia và đi qua đường quốc lộ giáp với biên giới của Việt Nam để đến quốc gia mong muốn. Ví dụ : Thông tư 63/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Bản ghi nhớ về vận tải đường bộ giữa Campuchia – Lào – Việt nam do Bộ trưởng Bộ Giao thôn vận tải ban hành có hướng dẫn về việc xin giấy phép liên vận cho các phương tiện quá cảnh,…
– Đối với hình thức quá cảnh bằng đường biển : trong trường hợp quá cảnh và người nước ngoài quá cảnh đường biển vào một quốc gia có thể được miễn thị thực tuy nhiên phải ở khu vực quá cảnh tại cửa khẩu cảng biển trong thời gian mà tàu, thuyền đó neo đậu, nếu có nhu cầu ở lại nước nội địa với hình thực tham quan, du lịch thì phải được cấp thị thực tùy theo quy định của mỗi quốc gia và thời gian người đó muốn ở lại.
Đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa, hàng hóa không được thuộc danh mục cấm theo quy định pháp luật và không được phép buôn bán, trao đổi khi đang quá cảnh tại quốc gia trừ trường hợp có thỏa tuận khác hoặc hành vi này được báo cáo thông qua bởi quốc gia sở tại ;
– Đối với hình thức quá cảnh bằng đường hàng không: người nước ngoài quá cảnh bằng đường hàng không vào quốc gia đó thì được miễn thị thực với điều kiện không được rời khỏi khu vực quá cảnh tại sân bay quốc tế trong thời gian chờ chuyến bay, nếu có nhu cầu ở lại nước sở tại để tham quan, du lịch thì cần được xem xét và cấp thị thực phù hợp với thời gian quá cảnh. Tương tự, đối với hàng hóa cũng không được thuộc danh mục cấm lưu hành và không được phép buôn bán, trao đổi hàng hóa trong khi đang quá cảnh trừ khi có thỏa thuận hoặc được thông qua bởi quốc gia sở tại.
– Hiện nay, đôi với hoạt động hàng không các quốc gia ngày càng tiên tiến và phát triển, có thể tiến hành bay qua không phận mà không cần phải quá cảnh lại quốc gia thứ ba, tuy nhiên có số ít các quốc gia đáp ứng được hoạt động này là do những yếu tố về kỹ thuật, độ dài địa lý, nguyên liệu tiêu thụ. Ví dụ tại Việt Nam: Năm 2019 đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã thay mặt Cục Hàng không Mỹ chính thức trao chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) cho Việt Nam chứng tỏ Việt Nam có đủ điều kiện về kỹ thuật để bay thẳng từ Việt Nam sang Mỹ. Xong đến nay chưa có hãng hàng không nào khai thác đường bay này thành công do máy bay chưa đủ điều kiện để đáp ứng được một chuyến bay dài và chi phí bỏ ra thường lớn và có nguy cơ lỗ cao cho mỗi chuyến bay.
Lưu ý khi quá cảnh đối với hàng hóa vào Việt Nam ?
Đối với hình thức quá cảnh là hàng hóa, pháp Luật Việt Nam cũng có quy định riêng để điều chỉnh về hoạt động này khi hàng hóa được quá cảnh tại lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, căn cứ vào Thông tư 54/2018/TT-BGTVT ban hành Biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phap neo, dịch vụ bốc dỡ Container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam như sau :
Về mặt khái niệm, Thông tư đưa ra định nghĩa : hàng hóa quá cảnh là hàng hóa có nơi gửi hàng hay nơi gốc xuất phát và nơi nhận hàng hay nơi đích đến ở ngoài lãnh thổ Việt nam đi thẳng hoặc được xếp dỡ qua càng biển Việt Nam hoặc nhập kho, bãi để đi tiếp.
Theo Điều 241 – Luật Thương mại năm 2005 quy định:
Quá cảnh hàng hóa là việc vận chuyển hàng hóa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân nước ngoài qua lãnh thổ Việt Nam, kể cả việc trung chuyển , chuyển tải, lưu kho, chia tách lô hàng, thay đổi phương thức vận tải hoặc các công việc khác được thực hiện trong thời gian quá cảnh.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ loại hàng hóa nào cũng được phép quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam và theo pháp luật của các quốc gia nói chung. Những loại hàng hóa không được quá cảnh theo quy định chung bao gồm :
+ Các loại vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và các loại hàng hóa có độ nguy hiểm cao khác, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước quá cảnh cho phép hoặc thông qua. Các loại hàng hóa nếu trên không chỉ bị cấm quá cảnh mà đối với hoạt động xuất nhập khẩu cũng đều bị cấm, trừ trường hợp sử dụng cho mục đích quốc gia, chủ thể tham gia vận chuyển là người hoạt động trong Nhà nước hoặc người được Nhà nước, chỉnh phủ ủy quyền vận chuyển. Trong trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao nêu trên quá cảnh vào lãnh thổ Việt Nam thì cần phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và các Điều ước quốc tế có hiệu lưc thi hành mà Việt Nam là nước thành viên tham gia Điều ước ;
+ Hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu chỉ được quá cảnh vào lãnh thổ khi được Bộ Thương mại của nước sở tại cho phép hoặc thông qua. Tương tự như với các loại hàng hóa thuộc Danh mục có độ nguy hiểm cao, những loại hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh và xuất nhập khẩu cũng bị cấm ví dụ như : hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng không đạt chuẩn mức độ an toàn và bị cấm sản xuất,… thì sẽ không được phép quá cảnh vào nước sở tại. Ngoài ra, các loại Hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất – nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất – nhập khẩu theo giấy phép hoặc được nước vận chuyển cho phép muốn quá cảnh thì phải có văn bản gửi lên Bộ Công Thương để Bộ cấp phép quá cảnh, nếu trường hợp hoạt động này được Điều ước quốc tế hướng dẫn thì sẽ thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế đó ;
+ Đối với những hàng hóa không thuộc Danh mục có mức độ nguy hiểm cao như vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và Danh mục cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân hợp pháp theo quy định thì được phép quá cảnh vào lãnh thổ Việt Nam, hồ sơ , thủ tục quá cảnh được trình và giải quyết tại Chi cục Hải quan cửa khẩu ;
+ Đối với các phương tiện thực hiện chức năng vận tải hàng hóa quá cảnh khi xuất khẩu, nhập khẩu khi đi qua lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng đúng trạng thái và hàng hóa đúng quy định pháp luật và đúng như khi nhập cảnh vào lãnh thổ của Việt Nam.
Trên đây là tất cả thông tin được cung cấp bởi công ty luật Trần và Liên Danh về thắc mắc quá cảnh là gì? Nếu quý vị có bất kỳ câu hỏi nào hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline. Chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ và trả lời mọi thắc mắc của quý vị.