Chào Luật Trần và Liên Danh, thời gian gần đây thị trường chứng khoán có nhiều biến động nên tôi muốn bán một phần cố phiếu của mình thì có cần phải đóng thuế không? Cách tính thuế khi bán cổ phiếu theo quy định hiện nay như thế nào? Xin được tư vấn.
Chào bạn, cổ phiếu là một loại tài sản đặc biệt, là kênh đầu tư có tiềm năng lớn. Vậy cổ phiếu là gì? Cách tính thuế bán chứng khoán theo quy định hiện nay ra sao? Hãy cùng Luật Trần và Liên Danh tìm hiểu nhé.
Căn cứ pháp lý về thuế bán chứng khoán
Luật Doanh nghiệp 2020
Thông tư 92/2015/TT-BTC
Thông tư 111/2013/TT-BTC
Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014
Cổ phiếu là gì? thuế bán chứng khoán là gì?
Theo khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó. Chỉ công ty cổ phần mới có quyền phát hành cổ phiếu.
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, cổ phiếu là một loại chứng khoán (được coi là tài sản), là đối tượng giao dịch trên sàn chứng khoán.
Theo khoản 1, 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020, có 02 loại cổ phiếu như sau:
Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông): Dùng để xác định quyền sở hữu của các cổ đông. Người nắm giữ cổ phiếu này sẽ có quyền quản lý và kiểm soát công ty hay tham gia vào các cuộc họp HĐQT, cũng như bỏ phiếu quyết định vào các vấn đề lớn của công ty.
Cổ phiếu ưu đãi: Người nắm giữ có thể nhận ưu đãi về cổ tức và quyền biểu quyết hay được hoàn lại phần vốn góp.
Mục đích của việc mua bán cổ phiếu
Cá nhân, tổ chức mua bán cổ phiếu, chủ yếu nhằm mục đích sau:
Để tìm kiếm lợi nhuận. Thông thường đây là mục đích chính khi mua bán cổ phiếu. Cổ phiếu là công cụ sinh lời cao và cũng là kênh đầu tư linh hoạt.
Để nắm quyền biểu quyết và quản lý công ty: Đối với những cá nhân, tổ chức muốn năm quyền điều hành công ty, họ thường mua bán số lượng cổ phiếu khá lớn.
Lưu ý thuế bán chứng khoán là gì?
Hiện nay, khái niệm thuế thu nhập cá nhân chưa được pháp luật định nghĩa cụ thể. Nhưng dựa theo các quy định của pháp luật, thông tư có liên quan thì có thể hiểu thuế thu nhập cá nhân như sau:
Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người chịu thuế và thu nhập đó đã trừ các khoản giảm trừ cũng như các khoản miễn thuế.
Cá nhân thuộc đối tượng tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân phải nộp thuế theo quy định: Các cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế theo luật định phát sinh ở cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc thu nhập chỉ phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
Cá nhân cư trú được xác định là người có một trong các điều kiện sau:
Cá nhân có mặt tại Việt Nam từ đủ 183 ngày trở lên trong thời gian là một năm dương lịch; tính theo 12 tháng liên tục tính từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam bao gồm những người có đăng ký thường trú, những người ở nhà thuê theo hợp đồng có thời hạn.
Đối tượng nào phải nộp thuế bán chứng khoán?
Tại điều 110, chương V Luật doanh nghiệp, trong đó công ty cổ phần, cổ đông có quyền tự do nếu muốn chuyển nhượng cổ phần của chính họ trừ hạn chế theo khoăn 3 điều 119 và khoản 1 Điều 126 (với trường hợp cổ đông sáng lập hoặc trường hợp điều lệ công ty có quy định hạn chế).
Như vậy, cổ đông trong công ty cổ phần đều có quyền chuyển nhượng cổ phần theo quy định pháp luật và điều lệ công ty. Đồng thời khi chuyển nhượng cổ phần các cổ đông này đều thuộc trường hợp phải nộp thuế bởi:
Căn cứ điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi bổ sung điểm b, khoản 4, điều 2, tại thông tư 111/2013/TT-BTC thì có quy định cụ thể như sau: Các thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng chứng khoán bao gồm cả trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Mà trong đó, cổ phiếu là một loại chứng chỉ của công ty cổ phần thực hiện phát hành, dữ liệu điện tử hoặc bút toán ghi nhận trên sổ để xác nhận về quyền sở hữu của một hay một số cổ phần thuộc công ty nào đó. Theo đó cổ phiếu là hình thức thể hiện của cổ phần do cổ đông là người nắm giữ.
Do vậy, với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần – chuyển nhượng cổ phiếu, các đối tượng vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Cách tính thuế bán cổ phiếu
Theo căn cứ tại khoản 2 điều 11 thông tư số 111/2013/TT-BTC, cụ thể có 2 cách tính thuế chuyển nhượng cổ phần như sau:
Cách 1: Chủ thể là cá nhân đã thực hiện việc đăng ký thuế, khi làm thủ tục quyết toán thuế đã được mã số thuế, đồng thời xác định được thu nhập tính thuế của từng loại chứng khoán, từ đó nộp thuế theo mức của thuế suất là 20%.
Thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng cổ phần ( Thuế TNCN) trong trường hợp này sẽ tính bằng công thức:
Thuế TNCN = 20% x ( Thu nhập tính thuế)
= 20% x ( Giá chuyển nhượng chứng khoán – giá mua – các chi phí hợp lý liên quan trong khi thực hiện chuyển nhượng)
Trong đó, giá mua được tính bằng công thức:
Giá mua = Tổng giá bình quân từ từng loại của chứng khoán được bán ra trong kỳ.
Cách 2: Chủ thể là cá nhân chuyển nhượng cổ phần nộp thuế theo thuế suất là 0,1% của giá chuyển nhượng chứng khoán mỗi lần. Theo đó thuế TNCN được tính bằng công thức:
Thuế TNCN = 0,1% x giá chuyển nhượng từ chứng khoán của mỗi lần
Lưu ý:
Mặc dù, theo quy định tại thông tư số 111/2013/TT-BTC được áp dụng thực hiện từ 1/10/2013 và vẫn đang có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, từ thời điểm 30/7/2015 thì thông tư số 92/2015/TT-BTC đã thống nhất quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với trường hợp thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (bao gồm cổ phần như đã nói trên đây).
Theo đó, tại điều 16 thông tư số 92/ 2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung điểm a,b của khoản 2 điều 11 thông tư 11/2013/TT-BTC quy định chi tiết như sau:
Thuế TNCN = giá chuyển nhượng chứng khoán của mỗi lần x 0,1%
Trong đó, giá chuyển nhượng chứng khoán:
Chứng khoán từ công ty đại chúng thực hiện giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán (giá thực hiện chính là giá của chứng khoán xác định khi kết quả khớp lệnh, giá được hình thành trong các giao dịch thỏa thuận ở Sở Giao dịch chứng khoán.
Ngoài ra, nếu không thuộc trường hợp ghi nhận ở trên thì giá chuyển nhượng sẽ căn cứ từ ghi nhận của hợp đồng chuyển nhượng, hoặc có thể là giá chuyển nhượng thực tế, giá ghi nhận trong sổ kế toán từ đơn vị thực hiện chuyển nhượng. Thời điểm này tính tại lúc lập báo cáo tài chính ngay trước thời điểm chuyển nhượng.
Nộp thuế bán chứng khoán ở đâu?
– Căn cứ tại khoản 6 điều 21 thông tư số 92/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung khoản 5, điều 16 của thông tư 156/2013/TT-BTC thì nơi nộp hồ sơ khai thuế đồng thời cũng là nơi nộp thuế chuyển nhượng cổ phần cổ phiếu, cụ thể là tại cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp đã phát hành chứng khoán sau đó cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng.
– Cũng theo đó, các thành phần trong hồ sơ cần phải nộp khi thực hiện khai thuế là:
+ Tờ khai theo mẫu số 4/CNV-TNCN được ban hành kèm thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính;
+ Bản chụp của bản gốc Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các bên
Câu hỏi thường gặp thuế bán chứng khoán
Quy định về thuế TNCN đối với cổ tức được chia bằng cổ phiếu?
Theo Điểm d, Khoản 5, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP:
“Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn.”
Như vậy, đối với cổ tức chia bằng cổ phiếu, nếu cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán thì tổ chức sẽ thực hiện khai và nộp thuế thay cho cá nhân.
Hồ sơ khai thuế TNCN từ cổ tức với trường hợp cá nhân tự khai thuế như thế nào?
Đối với doanh nghiệp trả thu nhập từ đầu tư vốn, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN trước khi chi trả thu nhập cho cá nhân, trừ trường hợp cá nhân tự kê khai thuế theo hướng dẫn tại Khoản 9, Điều 26, Thông tư 111/2013/TT-BTC. Số thuế khấu trừ được tính theo hướng dẫn nêu trên.
Trường hợp cá nhân tự đi khai thuế, hồ sơ gồm:
Mẫu 04/NNG-TNCN: Tờ khai thuế thu nhập cá nhân ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC, áp dụng cho cá nhân có thu nhập từ kinh doanh, đầu tư vốn, bản quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài.
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là những khoản thu nhập nào?
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là những khoản thu nhập đến từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán.
Ngoài ra, “cổ phiếu” là hình thức thể hiện “cổ phần”, do đó, các cá nhân chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp cũng được xác định là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Mua bán giao dịch chứng khoán thì thuế thu nhập cá nhân của mình sẽ được tính như thế nào?
Theo điểm đ khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, phải khấu trừ thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng trước khi thanh toán cho người chuyển nhượng. Theo đó, trường hợp chuyển nhượng chứng khoán qua Sở giao dịch chứng khoán thì Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán hoặc Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư chứng khoán có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chứng khoán chuyển nhượng không qua hệ thống giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán thì Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán hoặc Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp này cá nhân không phải kê khai, nộp thuế.
Trường hợp chứng khoán được mua bán trực tiếp mà không thông qua các tổ chức nêu trên thì người bán phải tự kê khai thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh theo quy định tại khoản 6 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:
“Điều 16. Khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân
…
Khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán
a) Nguyên tắc khai thuế
a.1) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của Công ty đại chúng giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán không phải khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký, Công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác quản lý danh mục đầu tư khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
a.2) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thông qua hệ thống giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán:
– Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại nơi cá nhân mở tài khoản lưu ký chứng khoán khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
– Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán của công ty cổ phần chưa là công ty đại chúng nhưng tổ chức phát hành chứng khoán ủy quyền cho công ty chứng khoán quản lý danh sách cổ đông không khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế, Công ty chứng khoán được ủy quyền quản lý danh sách cổ đông khấu trừ thuế và khai thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
a.3) Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán không thuộc trường hợp nêu tại tiết a.1 và tiết a.2 khoản này khai thuế theo từng lần phát sinh.
a.4) Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông trong trường hợp chuyển nhượng chứng khoán không có chứng từ chứng minh cá nhân chuyển nhượng chứng khoán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế thì doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có trách nhiệm khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân.
Trường hợp doanh nghiệp nơi cá nhân chuyển nhượng chứng khoán khai thuế thay cho cá nhân thì doanh nghiệp thực hiện khai thay hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp khai thay ghi cụm từ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của doanh nghiệp. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn thể hiện người nộp thuế là cá nhân chuyển nhượng chứng khoán.”
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến thuế bán chứng khoán. Luật Trần và Liên Danh hi vọng hữu ích đối với bạn.