Thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân

thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân

Hiện nay khi nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), người nộp thuế có 2 cách: Ủy quyền cho tổ chức chi trả thu nhập hoặc tự thực hiện. Đối với mỗi hình thức nộp, thời hạn, đối tượng áp dụng và thủ tục sẽ có quy định khác nhau. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp đến bạn đọc thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân theo quy định mới nhất, hãy cùng theo dõi nhé!

Đối tượng nộp thuế

Thuế TNCN là loại thuế trực thu đối với các thu nhập tính thuế của đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật. 

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nộp thuế TNCN bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú đáp ứng các điều kiện luật định. Cụ thể:

Đối với cá nhân cư trú

Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

Một là, có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên

Thời hạn 183 ngày có mặt tại Việt Nam tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày.

Ngày đến và ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam.

Trường hợp nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư trú.

Lưu ý: Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Hai là, có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau

Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật về cư trú

+ Đối với công dân Việt Nam: nơi ở thường xuyên là nơi cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú.

+ Đối với người nước ngoài: nơi ở thường xuyên là nơi ở thường trú ghi trong Thẻ thường trú hoặc nơi ở tạm trú khi đăng ký cấp Thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an cấp.

Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở

Thời hạn thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế, cụ thể như sau:

+ Cá nhân chưa hoặc không có nơi ở thường xuyên nhưng có tổng số ngày thuê nhà để ở theo các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế cũng được xác định là cá nhân cư trú, kể cả trường hợp thuê nhà ở nhiều nơi.

+ Nhà thuê để ở bao gồm cả trường hợp ở khách sạn, ở nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, ở nơi làm việc, ở trụ sở cơ quan,… không phân biệt cá nhân tự thuê hay người sử dụng lao động thuê cho người lao động.

Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Việc chứng minh là đối tượng cư trú của nước khác được căn cứ vào Giấy chứng nhận cư trú. Trường hợp cá nhân thuộc nước hoặc vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định thuế với Việt Nam không có quy định cấp Giấy chứng nhận cư trú thì cá nhân cung cấp bản chụp Hộ chiếu để chứng minh thời gian cư trú.

Cá nhân không cư trú

Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện nêu trên.

Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế 

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC, phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế cụ thể như sau:

Đối với cá nhân cư trú

Thu nhập chịu thuế của cá nhân cư trú là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ

Trường hợp này được quy định đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam.

Nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.

Đối với cá nhân không cư trú

Thu nhập chịu thuế của cá nhân không cư trú là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

Hướng dẫn 2 cách nộp thuế thu nhập cá nhân

Ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

“a) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm”.

Như vậy, chậm nhất là ngày 31/3/2021, tổ chức trả thu nhập (doanh nghiệp, hợp tác xã,…) phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020 cho người lao động.

thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân
thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân

Quy định về ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

* Trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân có thu nhập từ tiền lương ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập (doanh nghiệp,…) quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:

– Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế 10% mà không có yêu cầu quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

– Cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới trong trường hợp tổ chức cũ thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp. Cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có) để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.

* Các trường hợp không được ủy quyền

Theo Công văn 5749/CT-TNCN, người lao động không được ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp trong một số trường hợp sau:

– Người lao động đảm bảo điều kiện được ủy quyền nhưng đã được doanh nghiệp cấp chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không ủy quyền quyết toán thuế cho doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho người lao động.

– Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một doanh nghiệp nhưng vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế không còn làm việc tại doanh nghiệp đó.

– Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một doanh nghiệp, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế hoặc khấu trừ thuế chưa đủ.

– Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại nhiều doanh nghiệp.

– Người lao động chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%.

– Người lao động chưa đăng ký mã số thuế.

– Người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì không ủy quyền quyết toán thuế mà người lao động tự khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ xét giảm thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

* Thủ tục ủy quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, người lao động chuẩn bị hồ sơ ủy quyền gồm giấy tờ sau:

– Mẫu ủy quyền theo Mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN.

– Bản chụp hóa đơn, chứng từ chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ ủy quyền cho nơi trả thu nhập

Tự nộp thuế thu nhập cá nhân

Hạn quyết quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Điểm b khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:

“b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế”.

Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế khi tự quyết toán chậm nhất là ngày 30/4/2021.

Quy định về tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân

* Các trường hợp tự quyết toán thuế

– Thuộc trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế nhưng không ủy quyền.

– Phải trực tiếp khai quyết toán với cơ quan thuế (không được ủy quyền).

Theo khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo phải khai quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế, trừ các trường hợp sau:

+ Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng, đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

+ Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

* Thủ tục tự quyết toán thuế

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC, cá nhân khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu sau:

– Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC.

– Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

– Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có).

– Bản chụp các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).

– Trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài phải có tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài.

 Bước 2: Nộp hồ sơ quyết toán thuế

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Cục Thuế nơi cá nhân đã nộp hồ sơ khai thuế trong năm.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:

+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó.

Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng.

Nếu cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).

+ Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).

– Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).

– Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).

Trên đây là các cách nộp thuế thu nhập cá nhân (quyết toán thuế thu nhập cá nhân). Vì thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân khá phức tạp, nhất là đối với người thực hiện lần đầu. Do vậy, nếu thuộc trường hợp được ủy quyền thì nên ủy quyền để nơi trả thu nhập quyết toán thay.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Để được tư vấn một cách chi tiết và đầy đủ hơn về thủ tục đóng thuế thu nhập cá nhân Quý khách hàng vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969 078 234 của Luật Trần và Liên Danh. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách hàng những vấn đề pháp lý chất lượng hàng đầu trên toàn quốc.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139