Thành phần kinh tế là

thanh phan kinh te la

Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập mà có liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau tạo thành cơ cấu kinh tế thống nhất bao gồm nhiều thành phần kinh tế.

Thành phần kinh tế theo Hiến pháp năm 1946

Từ khi thành lập đến nay, Quốc hội nước ta đã thông qua 5 bản Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I ngày 8-11-1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam, gồm 7 chương chia làm 70 điều. Mặc dù không có một chương riêng nói về chế độ kinh tế như các bản Hiến pháp khác và không quy định các thành phần kinh tế nhưng tại Điều 12 đã quy định quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm.

Do hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khi xây dựng bản Hiến pháp năm 1946 nên quy định về chế dộ kinh tế chưa được quan tâm trong Hiến pháp 1946. Những nội dung về mục đích, phương hướng phát triển kinh tế, hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, cũng như nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về kinh tế chưa được định hình. Hiến pháp 1946 chỉ có đề cập đến một quyền tư hữu tài sản (Đ.12). Tuy nhiên, qua nghiên cứu về hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp 1946, có thể thấy mục đích của việc phát triển kinh tế là nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho người dân như đã được nhắc đến trong tuyên ngôn độc lập. Phương thức phát triển kinh tế để đạt được mục đích trên chưa được đình hình và quy định rõ. Các hình thức sở hữu khác nhau đối với tư liệu sản xuất tồn tại, nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động của nền kinh tế lúc bấy giờ.

 

Thành phần kinh tế theo Hiến pháp năm 1959

Hiến pháp năm 1959 được Quốc hội khoá I kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1959, gồm 10 chương, 72 điều.Với nhiệm vụ của thời kỳ này là: Xác lập và hoàn thiện chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, từ đó, tạo nền tảng cho con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta sau khi giải phóng đất nước. Điều 12, Hiến pháp 1959 khẳng định: “ Kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân giữ vai trò lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước đảm bảo ưu tiên phát triển…”. Bên cạnh hình thức sở hữu nhà nước còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác như: Sở hữu của các nhà tư sản dân tộc, của những người tiểu thương, thợ thủ công… Vì vậy, điều 11, Hiến pháp 1959 đã xác nhận và bảo hộ những hình thức sở hữu  chủ yếu về tư liệu sản xuất là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẽ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc. Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên. Kinh tế hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân; bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác; bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc; bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân; bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác. Mặc dù các quy định của Hiến pháp vẫn thừa nhận loại hình sở hữu tài sản tư nhân (Điều 16), nhưng vì phải thực hiện công cuộc cải tạo công thương để nhanh chóng tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội, nên loại hình sở hữu này hầu như không có điều kiện tồn tại trên thực tế.

 

Thành phần kinh tế theo Hiến pháp năm 1980

Hiến pháp năm 1980 là Hiến pháp thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn vẹn lãnh thổ,  được Quốc hội khoá VI kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1980, gồm có 12 chương 147 điều. Theo Hiến pháp năm 1980, thì mục đích chính sách kinh tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thoả mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và văn hoá ngày càng tăng của cả xã hội bằng cách không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, trên cơ sở chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa và nền khoa học, kỹ thuật hiện đại. Với nhiệm vụ là: Nhà nước tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động.

Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên. Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài. Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ kinh tế hợp tác xã phát triển. Kinh tế phụ gia đình xã viên được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ theo pháp luật; làm ăn tập thể, tổ chức hợp tác xã sản xuất và các hình thức hợp tác, tương trợ khác theo nguyên tắc tự nguyện. Những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hoá không bồi thường. Nhà nước tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn bằng những hình thức thích hợp.

 

Thành phần kinh tế theo Hiến pháp năm 1992

Hiến pháp năm 1992, được Quốc hội khoá VII thông qua ngày 15 tháng 4 năm 1992 gồm 12 chương 147 điều, được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị – pháp lý quan trọng trong việc thực hiện công cuộc đổi mới. Hiến pháp 1992 ra đời và sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã kế thừa những quy định của các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời xác nhận chế độ kinh tế của nước ta gồm ba hình thức sở hữu được quy định một cách cụ thể tại điều 15, Hiến pháp 1992( sửa đổi, bổ sung năm 2001):  Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. Cùng với xu thế phát triển một nền kinh tế đa dạng, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân được chọn hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, được thành lập doanh nghiệp, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế, dân sinh. Kinh tế gia đình được khuyến khích phát triển. Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tập thể do công dân góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh được tổ chức dưới nhiều hình thức trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được liên doanh, liên kết với cá nhân, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Triển khai thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng, tại Kỳ họp thứ I, Quốc hội Khóa XIII diễn ra vào tháng 8/2011 đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua tổng kết việc thi hành Hiến pháp và lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại 3 Kỳ họp của Quốc hội, 3 lần trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương  Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI và rất nhiều lần xin ý kiến của Bộ chính trị và các cơ quan, tổ chức, các nhà chính trị, các nhà khoa học có uy tín.

thanh phan kinh te la
thành phần kinh tế là

Thành phần kinh tế theo Hiến pháp năm 2013

Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ VI đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Đây là sự kiện chính trị – pháp lý  đặc biệt quan trọng đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương và 120 điều có nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới đó là Hiến pháp 2013 đã gộp Chương II (Chế độ kinh tế) và Chương III ( Văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ) của Hiến pháp 1992, thành Chương III (Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường), thể hiện được sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các vấn đề khác của xã hội, và bổ sung thêm nội dung môi trường là một điểm mới, rất phù hợp thực tế hiện nay. Hiến pháp 2013 không nêu cụ thể các thành phần kinh tế như Hiến pháp 1992, nhưng Hiến pháp xác định rõ nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.  Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước.

Như vậy trong nội dung bài viết đã phân tích trên đây giúp cho bạn đọc biết được Có mấy thành phần kinh tế hiện nay ở Việt Nam?.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139