Các tài xế, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất có thể đăng ký luồng xanh hay chính xác là đăng ký thẻ nhận diện phương tiện để được ưu tiên hoạt động trên các Luồng xanh tại các tỉnh, thành giãn cách xã hội một cách nhanh chóng chỉ với vài cú click chuột. Bài viết dưới đây Luật Trần và Liên Danh sẽ hướng dẫn bạn làm giấy luồng xanh.
Xe nào được làm giấy luồng xanh?
Theo Công văn 4977 ngày 18/7/2021 và Công văn 5223 ngày 25/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, loại phương tiện được đăng ký thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên khi hoạt động trên các Luồng xanh bao gồm:
1- Xe ô tô tải, xe đầu kéo, xe công ten nơ và các loại xe chuyên dụng vận chuyển các loại hàng hóa sau:
– Hàng hóa thiết yếu theo hướng dẫn tại văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
– Hàng hóa thiết yếu khác theo hướng dẫn của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi nhận hàng của hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu) hoặc đầu mối do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định.
– Hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2- Xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các cơ sở sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, thành phố.
Chi tiết thủ tục đăng ký làm giấy luồng xanh
Bước 1: Các đơn vị vận tải tiến hành truy cập vào địa chỉ trang website http://luongxanh.drvn.gov.vn nộp hồ sơ trực tuyến hướng dẫn gửi kèm.
– Nhập email vào ô email, số điện thoại vào số điện thoại sau đó nhấn vào nút Nhận mã xác thực, 01 mã xác thực sẽ được hệ thống Luồng xanh gửi tới số điện thoại đã đăng ký.
– Nhập mã xác thực vừa nhận được vào ô Mã xác thực, sau đó ấn tiếp tục.
Bước 2: Khai báo Thông tin đề nghị cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên Luồng xanh.
Khi vào hệ thống sẽ ở giao diện Thông tin đề nghị cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên Luồng xanh.
Trường hợp:
Doanh nghiệp nhiều tài xế: Nên chọn Thông tin tài xế ở bên phải màn hình trước, nhập danh sách tài xế với các thông tin như ở Bước 4
Cá nhân: Ở nguyên cửa sổ hiện tại
Khai báo các thông tin theo hướng dẫn của form đăng ký ở phần mô tả bên cạnh.
Bước 3: Tải Đơn đăng ký Luồng xanh (ở phần cuối của Thông tin đề nghị cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên Luồng xanh)
Điền các thông tin và ký tên đóng dấu (đối với doanh nghiệp), ký ghi rõ họ tên (đối với cá nhân). Sau đó chụp ảnh lại đơn để tải đơn đăng ký lên khi đăng ký tại Bước 2.
Bước 4: Khai báo thông tin tài xế
Nhấn nút Thêm mới tài xế để khai báo thông tin gồm:
– Họ tên;
– Số điện thoại;
– Ngày/tháng/năm sinh;
– Số Giấy phép lái xe;
– Upload ảnh của Giấy xét nghiệm mới nhất lên;
– Ngày xét nghiệm Covid-19;
– Ngày hết hạn xét nghiệm Covid-19.
Phải kê khai đầy đủ thông tin về lái xe và người đi theo xe, trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo giấy xét nghiệm Covid-19 (âm tính) còn hiệu lực và đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Bước 5: Điền thông tin luồng xin cấp phép
– Nhập địa chỉ nơi đi, địa chỉ nơi đến.
– Lộ trình di chuyển:
+ Nếu di chuyển trong tỉnh, thành phố: Nhấn Lựa chọn lộ trình nội tỉnh. Lúc này nhấn vào thanh Lọc theo tỉnh để tìm kiếm Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành phố mà mình di chuyển, rồi tìm lộ trình di chuyển.
+ Nếu di chuyển liên tỉnh: Vừa nhấn Lựa chọn lộ trình nội tỉnh vừa nhấn Lựa chọn lộ trình quốc gia (tối đa 03 lộ trình quốc gia).
– Thời gian đề nghị cấp (Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16): Nhập thời gian đề nghị cấp phép từ ngày nào đến ngày nào.
– Loại hàng hóa vận chuyển: Lựa chọn hàng hóa chuyên chở trên xe.
+ Hàng hóa phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh không bị dừng hoặc cấm hoạt động theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Hàng hóa thiết yếu khác theo hướng dẫn của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi nhận hàng của hành trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu) hoặc đầu mối của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định;
+ Hàng hóa thiết yếu theo hướng dẫn tại văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 của Bộ Công Thương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
+ Nếu là hàng hóa đặc biệt mau hỏng (hàng nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh) thì tích vào ô Hàng hóa đặc biệt – Hàng mau hỏng bên dưới.
Lưu ý: Trong trường hợp vận chuyển hàng mau hỏng, đơn vị vận tải tự in thêm cụm từ “HÀNG MAU HỎNG” trên giấy A5 màu vàng dán kính phía trước, trên A4 dán 2 bên thành xe và đóng dấu treo của doanh nghiệp.
Bước 6: Chọn nơi tiếp nhận hồ sơ
Sau khi điền đầy đủ thông tin bên trên thì sẽ chọn Đơn vị tiếp nhận hồ sơ là Sở GTVT tỉnh/thành phố đăng ký hoạt động.
Nếu doanh nghiệp có nhiều tài xế thì mỗi tài xế đều khai báo đầy đủ như trên và ấn nút Gửi đề nghị.
Lưu ý: Các nội dung đăng ký phải đảm bảo thông tin chính xác, đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những nội dung đã kê khai.
Bước 7: Sở GTVT tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và phê duyệt hồ sơ (đối với các hồ sơ đủ điều kiện theo quy định).
Bước 8: Theo dõi kết quả trong Email hoặc tại mục Danh sách xe đăng ký trên trang đăng ký.
Cách nhận thẻ Luồng xanh khi làm giấy luồng xanh
Sau khi gửi xong đề nghị cấp thẻ luồng xanh, có thể theo dõi tình trạng cấp thẻ của mình tại mục: Danh sách xe đăng ký.
Tại mục này có 3 trạng thái: Đối với những đơn vừa gửi sẽ nằm ở Danh sách “Chờ cấp”. Đối với những đơn bị từ chối thì sẽ nằm ở Danh sách “Từ chối” tại đây có ghi cụ thể lý do bị từ chối. Trong trường hợp đơn được cấp sẽ thấy Danh sách “Đã phê duyệt”.
Sau khi được Sở phê duyệt, kết quả sẽ được trả về Email của đơn vị vận tải. Đơn vị tiến hành truy cập Email/Danh sách “Đã phê duyệt” để nhận kết quả, tự in kết quả (phiếu nhận dạng phương tiện kèm theo mã QR Code) và dán lên phương tiện.
Tiếp đó, in A5 để trên kính xe phía trước và in A4 để dán 2 bên thành xe. Đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, hàng mau hỏng đề nghị đơn vị vận tải in bổ sung thêm nhãn “HÀNG MAU HỎNG” trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán lên kính chắn gió phía trước cùng thẻ nhận diện phương tiện.
Làm giấy luồng xanh bao lâu?
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
Kể từ khi doanh nghiệp gửi hồ sơ thì trong vòng 24 giờ thì Sở Giao thông vận tải tại địa phương nơi doanh nghiệp gửi hồ sơ sẽ xem xét và phê duyệt. Có thể sẽ phê duyệt sớm hơn, tối đa là 24h.
Sau khi phê duyệt xong thì ngay lập tức, hệ thống sẽ gửi trả kết quả vào địa chỉ mail của doanh nghiệp. Sau đó doanh nghiệp sẽ in và dán trên xe để đi đường hay vận chuyển hàng hóa. Doanh nghiệp có thể theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ trên trang cổng thông tin của Tổng cục Đường bộ Việt Nam bằng cách đăng nhập vào địa chỉ mail mà đã đăng ký gửi hồ sơ.
Theo đó, thẻ Luồng xanh sẽ được cấp trong vòng tối đa 24h, kể từ khi doanh nghiệp/cá nhân gửi hồ sơ.
Tuy nhiên, thực tế triển khai còn nhiều vấn đề liên quan đến lỗi hệ thống đăng ký như: website bảo trì (không truy cập được), chạy chậm, treo máy khi nộp hồ sơ… thậm chí có trường hợp doanh nghiệp đã được cấp thẻ Luồng xanh nhưng không nhận được thông báo kết quả.
Hà Nội công bố 16 Luồng xanh để phương tiện ra vào Thủ đô
Ngày 24/7/2021, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Thông báo 1164/TB-SGTVT về việc công bố Luồng xanh của Thành phố Hà Nội kết nối với Luồng xanh quốc gia trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Luồng xanh được Sở GTVT Thành phố Hà Nội công bố gồm 02 nhóm, cụ thể:
Nhóm Luồng xanh quốc gia kết nối với Luồng xanh Thành phố Hà Nội thông qua 22 chốt kiểm dịch theo 06 làn đường như sau:
– Luồng xanh 01 từ các tỉnh phía Nam, hướng Hà Nam thông qua Hà Nội: Xe chạy theo hướng Quốc lộ 1A, 1B (từ các chốt số 1, số 2, số 3), lưu thông qua nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ – Vành đai 3 trên cao đi cầu Thanh Trì hoặc cầu Thăng Long, sau đó đi các tỉnh thành phố khác.
– Luồng xanh 02 từ các tỉnh phía Đông Bắc, hướng Bắc Ninh thông qua Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn (chốt số 4 – 11): Xe lưu thông theo hướng qua cầu Thanh Trì – Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.
– Luồng xanh 03 từ các tỉnh phía Tây Bắc, hướng Hoà Bình thông qua Hà Nội (chốt số 12 -14): Xe lưu thông theo hướng Quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hoà đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.
– Luồng xanh 04 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Phú Thọ thông qua Hà Nội (chốt số 12 – 14): Lưu thông theo đường Quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hoà đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.
– Luồng xanh 05 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Vĩnh Phúc thông qua Hà Nội (chốt số 18 – 21): Xe lưu thông theo Quốc lộ 32 qua nút giao Mai Dịch và theo Quốc lộ 2 – Võ Văn Kiệt – cầu Thăng Long – Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.
– Luồng xanh 06 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Thái Nguyên thông qua Hà Nội (chốt số 22): Xe lưu thông theo Quốc lộ 3 – Đường 35 – Quốc lộ 2 – Võ Văn Kiệt – cầu Thăng Long – Vành đai 3 trên cao hoặc Quốc lộ 3 – Quốc lộ 18 – Võ Nguyên Giáp – Quốc lộ 5 – cầu Thanh Trì để đi các tỉnh thành phố khác.
Nhóm 10 Luồng xanh chạy vào nội thành TP. Hà Nội, gồm:
– Tại khu vực ngoại thành (ngoài đường Vành đai 3): Phương tiên lưu thông qua hệ thống đường kết nối từ đường Vành đai 3 với Quốc lộ 1A, 1B , Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, đường Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội -Thái Nguyên, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Quốc lộ 32.
– Luồng xanh tại khu vực Vành đai 1 vào trung tâm, xe đi theo hướng: An Dương Vương – Âu Cơ – Nghi Tàm – Yên Phụ – Trần Nhât Duật – Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư – Đê Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – La Thành và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.
– Luồng xanh tại khu vực Vành đai 2 vào trung tâm, xe đi theo hướng: Cầu Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Trường Chinh – đường Láng – đường Bưởi – Võ Chí Công – cầu Nhật Tân và kết nối với hệ thống đường hướng tâm
– Luồng xanh tại khu vực Vành đai 3 vào trung tâm, xe đi theo hướng: Vành đai 3 dưới đất: Đường gom Vành đai 3 (Pháp Vân – Giải Phóng) – Nghiêm Xuân Yêm – Nguyễn Xiển – Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Pham Văn Đồng – cầu Thăng Long – Võ Văn Kiệt – Võ Chí Công – Hoàng Sa – Trường Sa – Nguyễn Văn Linh và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.
Hệ thống đường hướng tâm, gồm 06 Luồng xanh:
Nút giao Pháp Vân – Giải Phóng – Lê Duẩn; Nút giao Thanh Xuân, Nguyễn Trãi – Tây Sơn – Nguyễn Lương Bằng – Tôn Đức Thắng;
Nút giao Thanh Xuân – Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương – Láng Hạ, Giảng Võ;
Nút giao Trung Hòa – Đại lộ Thăng Long – Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh – Liễu Giai – Nam Cao;
Nút giao Mai Dịch – Xuân Thuỷ – Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học;
Nút giao Trung tâm Quận Long Biên – Nguyễn Văn Cừ – cầu Chương Dương;
Nút giao cầu vượt Đường 5 – Đàm Quang Trung – cầu Vĩnh Tuy.
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến làm giấy luồng xanh, nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ, giải đáp.