Đạo đức thể hiện nét đẹp trong phong cách sống của một người hiểu biết và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao tốt đẹp. Vậy, khái niệm đạo đức là gì? đạo đức và pháp luật có gì khác nhau?
Đạo đức là gì ?
Đạo đức là một từ Hán Việt, được dùng từ xa xưa để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con người. Đạo là con đường, đức là tính tốt hoặc những công trạng tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.
Đạo đức có thể được nhìn thấy theo các góc độ sau:
Nghĩa hẹp: Đạo đức thể hiện nét đẹp trong phong cách sống của một người hiểu biết và rèn luyện ý chí theo các bậc tiền nhân về các quy tắc ứng xử, các đường lối tư duy thanh tao tốt đẹp.
Nghĩa rộng hơn: Nghĩa rộng hơn, đạo đức trong một cộng đồng thể hiện qua những quy tắc ứng xử được áp dụng từ việc hợp với đạo lý xưa nay và phong tục của địa phương, cộng đồng đó. Tạo thành nét đẹp truyền thống văn hóa.
Nghĩa rộng: Đạo đức của cả một xã hội thường được xét đến khi xã hội đó bị hỗn loạn và thiếu chuẩn mực. Khi đó những bậc trí giả sẽ định ra những chuẩn mực cơ bản nhất để tạo dựng nên nền tảng đạo đức. Khi đã đạt đạo đức cơ bản nhất thì đó là đạo đức xã hội. Từ đó học tập đi lên thành các thành phần cao cấp hơn.
Khái niệm của chuẩn mực đạo đức là gì ?
Chuẩn mực đạo đức là tổng hợp các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người, nhằm đảm bảo sự ổn định, giữ gìn trật tự, kỉ cương của xã hội. Trong cuộc sống xã hội thường ngày, con người (các cá nhân và nhóm xã hội) thường xuyên thực hiện các hành vi xã hội nào đó nhằm đạt được hoặc thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích nhất định.
Hành vi của họ thường được định hướng và tuân theo những quy tắc, yêu cầu xã hội nào đó. Mọi người mong đợi họ hành động phải như thế này mà không nên như thế khác: Hãy kính trên nhường dưới, hãy ăn mặc gọn gàng, lịch sự, hãy cầu nguyện Thánh Ala, hãy tôn trọng pháp luật, không được gây tội ác… Vì thế, trong xã hội xuất hiện nhu cầu phải có những phương tiện để điều chỉnh hành vi của con người.
Chính con người đã xác lập và tạo dựng hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với hành vi của mỗi cá nhân hay nhóm xã hội. Từ đó mà hình thành và xuất hiện trong xã hội hệ thống các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội. Chúng tham gia và phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống.
Dù chuẩn mực đạo đức là bất thành văn nhưng chúng đều là phương tiện định hướng, điều chỉnh các hành vi của cá nhân và các nhóm xã hội trong những điều kiện xã hội nhất định đồng thời là phương tiện kiểm tra xã hội đối với các hành vi của họ. Nhờ có các chuẩn mực đạo đức mà các cá nhân luôn phải xem xét, suy nghĩ, kiểm nghiệm trước khi thực hiện hành vi xã hội nào đó: Hành vi đó đúng hay sai? Phù hợp hay không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội? Nếu thực hiện thì có bị xã hội phê phán, lên án hoặc trừng phạt không? Qua đó, chuẩn mực đạo đức góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi sai trái, phạm pháp và tội phạm.
Điều đó có nghĩa là, tùy thuộc vào các đặc điểm, tính chất về mặt nhu cầu, lợi ích vật chất hay tinh thần của đối tượng (nhóm đối tượng) xã hội nào, trong phạm vi không gian xã hội nào và vào thời điểm, giai đoạn lịch sự nào, mà các chuẩn mực đạo đức thường được định hướng sao cho phù hợp với thực tế xã hội hoặc phù hợp với lợi ích của đối tượng này hay đối tượng khác, của giai cấp này hay giai cấp khác. Các chuẩn mực đạo đức không mang tính chất bất biến mà thường ở trong trạng thái động. Chúng thường xuyên vận động, biến đổi và phát triển cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Trong quá trình vận động đó, có những quy tắc, chuẩn mực đạo đức dần trở nên lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế xã hội ở giai đoạn lịch sử nhất định. Khi đó chúng sẽ bị loại bỏ hoặc được thay thế bằng những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp hơn, tiến bộ hơn tùy theo từng thời kỳ lịch sử nhất định. Ví dụ đối với những phong tục, tập quán đã lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục, mang màu sắc mê tín dị đoạn thì cần phải vận động, tuyên truyền nhằm loại trừ chúng ra khỏi đời sống của cộng đồng, xây dựng lối sống văn minh, tiến bộ.
Thành phần cấu tạo nên đạo đức
Nghe hai từ “đạo đức” có vẻ dễ dàng tuy nhiên nó lại mang hình thái khá phức tạp. Nắm bắt được cấu trúc của nó giúp bạn hiểu sâu hơn về thuật ngữ này.
Ý thức đạo đức
Trong đạo đức, thành phần đầu tiên phải kể đến là ý thức. Ý thức đạo đức là những nguyên tắc và chuẩn mực hành vi phù hợp mà con người dựa theo để hành xử, đồng thời cũng bao gồm cả mặt cảm xúc và tâm tư tình cảm của mỗi con người.
Xét trên phương diện là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức chính là sự thể hiện thái độ nhận thức của một ai đó trước những hành vi của mình dựa trên những quy chuẩn xã hội đặt ra trước đó.
Nói như vậy có nghĩa là ý thức đạo đức chính là phần nhận thức của mỗi cá nhân trước một sự việc hiện tượng sắp xảy ra với mình. Nhờ có thành phần này mà hành động của mỗi người sẽ được hoàn thiện hơn.
Hành vi đạo đức
Hành vi đạo đức chính là những hành động được thực hiện bởi 1 cá nhân nào đó ra bên ngoài.
Sẽ có hành vi hợp với quy chuẩn với xã hội nhưng cũng có những hành vi không phù hợp. Vậy làm sao để phân biệt đâu là hành vi đạo đức và phi đạo đức?
Nhiều người sẽ nói rằng muốn phân biệt được hành vi đạo đức hay phi đạo đức chỉ cần nhìn vào kết quả. Tuy nhiên sự thật lại chưa hoàn toàn đúng, bởi vì có những thứ kết quả là sai nhưng nguyên nhân thì là bất đắc dĩ, trong trường hợp họ không còn sự lựa chọn nào khác. Động cơ hành vi rất quan trọng, một hành vi đạo đức cần phải có nguyên nhân vì lợi ích của người và cộng đồng.
Chức năng cơ bản của đạo đức
Chức năng cơ bản của đạo đức là điều chỉnh hành vi của con người theo các chuẩn mực và qui tắc đạo đức đã được xã hội thừa nhận bằng sức mạnh của sự thôi thúc lương tâm cá nhân, của dư luận xã hội, của tập quán truyền thống và của giáo dục.
Đạo đức qui định thái độ, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân cũng như đối với người khác và xã hội. Vì thế đạo đức là khuôn mẫu, tiêu chuẩn để xây dựng lối sống, lí tưởng mỗi người.
Những chuẩn mực và qui tắc đạo đức gồm: độ lượng, khoan dung, chính trực, khiêm tốn, dũng cảm, trung thực, tín, thiện, tàn bạo, tham lam, kiêu ngạo, hèn nhát, phản bội, bất tín…
Vai trò của đạo đức
Đạo đức có vai trò rất lớn trong đời sống xã hội, trong đời sống của con người, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và giải quyết nhằm đảm bảo cho cá nhân và cộng đồng tồn tại phát triển. Sống trong xã hội, người ta ai cũng phải suy nghĩ về những vấn đề đạo đức để tìm ra những con đường, cách thức và phương tiện hoạt động nhằm kết hợp lợi ích của mình và cộng đồng, từ đó bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của chính mình và cộng đồng.
Trong sự vận động phát triển của xã hội loài người suy cho cùng nhân tố kinh tế là cái chủ yếu quyết định. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa cái “chủ yếu” này thành cái “duy nhất” thì sẽ dẫn tư duy và hành động đến những lầm lạc đáng tiếc. Sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của xã hội không thể thiếu vai trò của đạo đức. Và khi xã hội loài người có giai cấp, có áp bức, có bất công, chiến đấu cho cái thiện đẩy lùi cái ác đã trở thành ước mơ, khát vọng, đã trở thành chất men, thành động lực kích thích, cổ vũ nhân loại vượt lên, xốc lên. Đạo đức đã trở thành mục tiêu đồng thời cũng là động lực để phát triển xã hội.
Vai trò của đạo đức còn được biểu hiện thông qua các chức năng cơ bản của đạo đức: Chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục, chức năng nhận thức như đã trình bày ở phần trên.
Ngày nay để xây dựng xã hội mới, chúng ta đang cần có những con người mới. Những con người phát triển toàn diện cả đức và tài. Tuy nhiên, cần chú ý trong quan hệ giữa đức và tài hôm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn lưu ý, nhắc nhở chúng ta phải coi trọng cả tài và đức nhưng phải lấy đức là gốc. Bởi lẽ tài năng chỉ có thể phát triển lâu bền trên nền của đức và tài năng chỉ có thể hướng thiện trên gốc của đức.
Phân biệt đạo đức và pháp luật
Đạo đức và pháp luật đều là hệ thống các qui tắc xử sự chung, chuẩn mực xã hội; giúp con người tự giác điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với lợi ích cộng đồng, xã hội.
Tuy nhiên, đạo đức khác với pháp luật ở chỗ:
– Sự điều chỉnh hành vi của đạo đức không có tính cưỡng bức, cưỡng chế mà mang tính tự nguyện, các chuẩn mực đạo đức không được ghi thành văn bản pháp qui.
– Phạm vi điều chỉnh và ảnh hưởng của đạo đức rộng hơn pháp luật, pháp luật chỉ điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ xã hội, chế độ Nhà nước còn đạo đức bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần.
– Pháp luật chỉ làm rõ những mẫu số chung nhỏ nhất của các hành vi hợp lẽ phải, hành vi đạo lí đúng đắn tồn tại bên trên luật.
Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật
Đạo đức là những chuẩn mực mà xã hội thừa nhận nó để điều chỉnh hành vi của con người.
Pháp luật cũng vậy, nhưng pháp luật là do nhà nước – giai cấp thống trị lập ra để bảo về giai cấp mình, bảo vệ nhân dân, bắt buộc con người ở trong hoàn cảnh đó phải xử xự như vậy.
Pháp luật ban hành dựa trên những chuẩn mực đạo đức, những tập quán, hành vi mà con người xử xự, chấp nhận nó. pháp luật là đạo đức nhưng đạo đức chưa hẳn là pháp luật.
VD: pháp luật hôn nhân gia đình cấm những người có quan hệ trong phạm vi 3 đời kết hôn với nhau.
Ở ngoài xã hội cũng không có ai chấp nhận những người này được kết hôn với nhau.
Tuy nhiên vấn đề khác biệt nhất ở đây đó là:
Đạo đức do con người thừa nhận, những hành vi bị xem là vô đạo đức không bị chủ thể nào áp dụng các biện pháp chế tài. Vì mỗi con người xem xét mỗi hành vi đó dưới nhiều góc độ khác nhau, vào quan niệm chủ quan của họ.
Pháp luật đã được nhà nước ban hành bắt buộc mọi người ở trong hoàn cảnh đó phải xử sự như vậy. Do đó hành vi bị coi là vi phạm pháp luật sẽ bị chủ thể – Nhà nước áp dụng các biện pháp chế tài, nó mang tình giáo dục những người khác trong xã hội và nhờ có pháp luật xã hội của chúng ta có sự công bằng, bình đẳng.
Trên đây là bài viết khái niệm đạo đức là gì. Hi vọng những chia sẻ của Luật Trần và Liên Danh hữu ích với bạn.