Phong tục tập quán là gì

phong tuc tap quan la gi

Xa xưa phong tục và tập quán luôn là nét đẹp văn hóa của mỗi quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại bài viết phong tục tập quán là gì này, mời các bạn hãy cùng Luật Trần và Liên Danh điểm qua những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam mà người dân vẫn đang gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày nay.

Khi nào thì được gọi là phong tục, tập quán? 

Chúng ta thường nghe nhiều đến các từ ngữ phong tục, tập quán nhưng liệu rằng bạn đã thật sự hiểu rõ về chúng hay chưa?

Phong tục và tập quán thường đi liền với nhau và nhiều khi khiến chúng ta dễ bị nhầm lẫn hai khái niệm này, khó có thể phân biệt được cụ thể. Theo đó thì phong tục sẽ được tách nghĩa thành “phong” và “tục”.

Phong có nghĩa là nền nếp đã lan truyền rộng rãi, “tục” thì là thói quen lâu đời. Phong tục có nghĩa là những thói quen, nền nếp đã xuất hiện từ lâu đời trong mọi hoạt động sinh hoạt, đời sống thường nhật của người dân, lặp đi lặp lại để rồi trở thành một thói quen tốt được lan truyền rộng rãi, phổ biến sâu rộng từ thời xa xưa cho đến nay về mặt thời gian và được truyền bá rộng rãi từ một địa phương lên tới phạm vi toàn quốc rồi mở rộng sang thế giới theo chiều không gian.

Phong tục thì thường sẽ được vận dụng linh hoạt hơn tập quán, nó không phải một nguyên tắc bắt buộc nhưng không vì vậy mà nó được phép sử dụng tùy tiện, nhất thời và thay đổi mạnh mẽ như các hoạt động hay mối quan hệ đời thường 

Còn tập quán thì lại được hiểu là những tập tục sinh ra từ những phương thức ứng xử giữa con người với con người, được ấn định và tạo dấu ấn, được coi như một điểm nhấn và lâu dần cũng trở thành một nề nếp, một lối sống của cá nhân trong cộng đồng dân cư. Khác với phong tục thì tập quán lại có sự bất biến và bền vững hơn nhiều, rất khó để thay đổi. 

Phong tục một khi đã được coi là một chuẩn mực ổn định trong cách ứng xử, sinh hoạt thì nó lại trở thành một tập quán xã hội mang tính bền vững.

Vì vậy có thể hiểu phong tục tập quán khó mà tách rời nhau, chúng đều là toàn bộ thói quen về đời sống của con người và được hình thành từ rất lâu đời, được sự công nhận và hưởng ứng của một cộng đồng.

Tính dễ nhận dạng nhất của phong tục tập quán là tính tuyên truyền, phổ biến hay kế thừa của nó. Phong tục tập quán đẹp, phù hợp với sự phát triển của xã hội sẽ được lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được xem là một nét đẹp truyền thống được gìn giữ, phát huy mãi về sau.

Phong tục, tập quán có giá trị pháp lý không? 

Phong tục tập quán thường đi đôi với nhau và như đã phân tích ở mục 1 thì phong tục sẽ trở thành một tập quán khi có đủ điều kiện phát triển bền vững.

Tập quán lại có một thuật ngữ khác là “Tập quán pháp” được hiểu là một hệ thống các quy tắc xử sự dựa trên cơ sở của các tập quán có những nội dung phù hợp với đời sống xã hội, không trái đạo đức xã hội và được nhà nước thừa nhận.

Xét về tính lịch sử hình thành thì tập quán pháp là một hình thức pháp luật được xuất hiện sớm nhất. 

Ngày nay, việc áp dụng tập quán cũng là một trong những nguồn luật được thừa nhận tại Việt Nam.

Điều này được thể hiện trong pháp luật dân sự khi giải quyết một vụ việc tranh chấp nào đó mà pháp luật chưa có quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Tập quán dưới khía cạnh luật pháp được hiểu là những quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Khi các bên không thể tự thỏa thuận được với nhau, khi pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán sẽ được lựa chọn để giải quyết một vụ tranh chấp dân sự.

Việc giải quyết nhiều khi sẽ nhanh chóng và được lòng các bên hơn so với việc áp dụng những quy định pháp luật cứng nhắc.

Tuy nhiên thì tập quán được áp dụng không được trái với đạo đức và các nguyên tắc của Bộ luật dân sự năm 2015. 

Có thể thấy, mặc dù chưa được luật hóa cụ thể nhưng lại được pháp luật thừa nhận có giá trị như pháp luật để đảm bảo tính hợp lý, tiến bộ, vì lợi ích của nhân dân đặt lên hàng đầu.

Nhiều khi câu nói “Luật vua thua lệ làng” rất đúng, nó đã phản ánh được chính xác thực trạng về tập quán của mỗi dân tộc ở Việt Nam. 

Vai trò của phong tục, tập quán Việt Nam

Phong tục tập quán Việt Nam đều xuất hiện từ lâu đời và mỗi một phong tục tập quán lại có những lịch sử hình thành khác nhau.

Mỗi một phong tục tập quán đều mang trong mình tính lịch sử, tính dân tộc, tính vùng miền thể hiện nét đặc trưng của chúng.

Do gắn bó chặt chẽ với những thói quen và nếp sống của cộng đồng xã hội nên phong tục tập quán được xem là các quy tắc xử sự chung, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhiều phong tục, tập quán trở thành luật tục ăn sâu và bén rễ bền chặt trong nhân dân. Nó tạo nên một nét đẹp giá trị tinh thần cho mỗi cộng đồng Việt Nam cũng như cho toàn thể quốc gia Việt Nam khi sánh vai với các cường quốc trên thế giới. 

Phong tục tập quán làm cho sắc thái văn hóa trở nên đa dạng, giúp chúng ta có thể phân biệt được các cộng đồng, các dân tộc tại Việt Nam.

Sống đúng với phong tục của nước mình, dân tộc mình mới là sống đúng với truyền thống. Phong tục tập quán Việt Nam nói chung và các phong tục tập quán của dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam nói riêng là một đề tài vô tận, bởi nước ta có đến 54 dân tộc anh em với rất nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ văn hóa khác nhau. Và có thể nói rằng phong tục tập quán chính là nét đặc trưng của một quốc gia, một dân tộc là vậy. 

Bên cạnh đó như đã phân tích ở trên, phong tục tập quán còn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, trong việc đưa pháp luật đến gần với đời sống xã hội.

Chúng chính là thước đo chuẩn mực hành vi của con người. Phong tục tập quán góp phần không nhỏ trong ổn định trật tự xã hội, đóng góp một phần lớn trong việc quản lý và quán triệt đời sống xã hội của những người đứng đầu trong nhóm cộng đồng dân cư.

Việc hình thành phong tục tập quán đã là một yếu tố tiên quyết để những người trong cùng một cộng đồng dân cư thống nhất với nhau về tư tưởng, cùng nhau hành động theo một hướng, tạo nên sự ổn định nhất định trong đời sống.

Từ đó những người đứng đầu là những người có trách nhiệm quản lý một cộng đồng dân cư có thể dựa theo những phong tục đó để có những quyết sách quản lý phù hợp, cũng có những ý tưởng dựa trên niềm tin của cộng đồng dân cư vào những phong tục đó để ổn định trật tự xã hội một cách tốt nhất, ngày càng đưa cộng đồng dân cư đó hướng đến những điều tốt đẹp, văn minh, tiến bộ, đồng thời bài trừ những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với thời đại, đem lại những điều không tốt đẹp, gây ảnh hưởng xấu đến tư tưởng, phong cách, lối sống, sức khỏe của con người. 

Như vậy, nhận thấy rằng các phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam là một nét đẹp văn hóa thể hiện bản sắc dân tộc cũng như góp phần phát triển cộng đồng, xã hội, đất nước nên chúng cần phải được bảo tồn và phát huy. 

Những phong tục, tập quán vẫn còn lưu giữ tại Việt Nam 

Và tại đây, mời các quý độc giả hãy cùng Luật Trần và Liên Danh điểm qua những phong tục tập quán đẹp đẽ đã được truyền từ thế hệ cha ông cho đến tận ngày nay. Có thể chia thành các hệ thống phong tục tập quán như sau: 

– Hệ thống các phong tục có liên quan đến quá trình lao động, làm ăn của con người và đặc biệt là những người làm nông nghiệp, làm hoa màu 

– Hệ thống các phong tục được hình thành trên cơ sở vòng đời của mỗi con người 

– Hệ thống các phong tục được hình thành dựa trên hoạt động của con người có liên quan đến yếu tố thời tiết, yếu tối bốn mùa trong một năm 

Một trong những phong tục tập quán đẹp đẽ, nổi bật nhất mà chúng ta phải nhắc đến trước tiên chính là tục cưới xin. Hôn nhân là một kết quả cao đẹp, thiêng liêng của tình yêu. Ở Việt Nam ta tục cưới xin từ trước đến nay đều bao gồm rất nhiều những nghi thức truyền thống như dạm ngõ, lễ thành hôn, lễ xin dâu, lễ lại mặt… Tất cả những nghi lễ này đều được dân ta truyền nhau làm theo từ đời này sang đời khác. Trong đó thì lễ xin dâu là một phong tục tập quán mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Mặc dù hai gia đình đã quy ước với nhau từ trước về ngày giờ và thành phần đưa đón, nhưng để đề phong mọi sự bất trắc, mọi tin thất thiệt nên mới định ra lễ này nhằm biểu hiện sự cẩn trọng trong hôn lễ. Bên cạnh đó còn có một phong tục rất đặc biệt đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong lễ cưới hỏi, nhất là trong đám cưới truyền thống. Rằng dân gian kiêng mẹ cô dâu đi đưa dâu. Tập tục này xuất phát do một câu chuyện trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường sẽ là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

phong tuc tap quan la gi
phong tục tập quán là gì

Thực ra trong nhiều gia đình thì người cha luôn là người quyết định mọi việc, còn người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm là ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau, mẹ thương con cũng sụt sùi khóc.

Vậy là trong khi hai họ đang vui mừng yên ấm ở ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc thì nhà trai không tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám giống như vậy nên người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa cô dâu, dần dần học theo nhau, trở thành tục lệ. Tuy nhiên cho đén nay, hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yêu nhau rồi kết hôn dựa trên cơ sở của tình yêu đôi lứa nên rất nhiều đám cưới đã bỏ đi quan niệm kiêng kỵ này. 

Một phong tục thứ hai vô cùng đặc biệt và được trường tồn mãi theo thời gian phải kể đến chính là tập quán đặt tên họ cho con. Con sinh ra trước giờ luôn theo họ của người cha, chỉ trừ khi có sự thỏa thuận của cha mẹ rằng con theo họ mẹ thì mới đặt theo họ mẹ. Còn nếu không thì người dân ta luôn mặc nhiên con sinh ra là phải theo họ của bố.

Điều này cũng được pháp luật công nhận, luật hóa trong Luật Hộ tịch năm 2014 rằng con sinh ra sẽ mang họ bố hoặc mẹ theo sự thỏa thuận của cha mẹ, nếu như không thỏa thuận được thì sẽ xác định theo tập quán, mà tập quán người dân Việt Nam thì đa số sẽ đặt tên họ cho con theo họ của người cha. Đây là một tập quán văn hóa đẹp đã được lưu truyền từ lâu và là một trong những minh chứng về phong tục, tập quán của Việt Nam đã được đi vào giới luật. 

Thứ ba phải kể đến là những phong tục tập quán trong việc giao thiệp. Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đều đã được nghe đến câu nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” phải không? Câu nói này xuất phát từ thói quen ăn trầu của các cụ thời xưa. Miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng lại chứa đựng nhiều tình cảm, ý nghĩa, giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng miền nào cũng có thể có nên nó được xem như một vật để chúng ta xích lại gần nhau hơn.

Miếng trầu sẽ đi đôi với lời chào, “đầu trò tiếp khách” là trầu, ngày xưa ai mà chẳng có, quý nhau thì mời trầu, ghét nhau theo phép lịch sự cũng mời trầu nhưng “cau sáu ra thành mười”. Ngày nay để răng răng trắng thì nhiều người không biết ăn trầu nữa, nhất là những người dân ở thành phố, nhưng theo tục lệ nếu nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau đến biếu hàng xóm, biếu ông bà nội ngoại.

Vì miếng trầu vẫn luôn là tục lệ, là cảm tình chứ không chỉ đơn thuần là một món ăn nên ăn được hay không cũng không ai chối từ. Hoặc ta cũng thường thấy miếng trầu cau được trưng bày đơn giản mà tinh tế trên các bàn cỗ, tiệc, trên các mâm cơm cúng, bàn thờ gia tiên những ngày lễ tết, giỗ chạp. 

Một tập tục khác trong giao thiệp cũng cần phải nhắc đến đó là “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Đó là cách ứng xử trong giao tiếp giữa người với người. Trong tiếng việt thì từ chào thường đi đôi với từ hỏi và từ mời, cách chào hỏi, chào mời ở mỗi địa phương thì lại có phong tục khác, còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Và ở đây ví lời chào với mâm cỗ thì ngụ ý hiểu rằng chào mời trong trường hợp này thể hiện đức tính thân thiện, hiếu khách, coi trọng bạn bè, bằng hữu hay xa hơn là coi trong con người. Câu chào luôn phải được nói ra trong mọi hoàn cảnh thể hiện mình là người biết ứng xử phải phép, biểu hiện phong cách riêng của một con người, biểu hiện một nề nếp của gia đình, một thuần phong mỹ tục của địa phương và xa hơn là của cả một dân tộc Việt Nam.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về phong tục tập quán là gì? Phong tục tập quán Việt Nam nên biết do Công ty Luật Trần và Liên Danh biên soạn và muốn gửi đến quý khách mang tính chất tham khảo. Hy vọng rằng từ những thông tin mà chúng tôi nêu lên tại bài viết sẽ giúp quý khách hiểu thêm về những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Đánh giá

Đề xuất cho bạn

Thông tin tác giả

Hotline: 034 663 1139
Tư Vấn Online
Gọi: 034 663 1139