Các quy luật kinh tế phản ánh những mối liên hệ tất yếu, bản chất, thường xuyên, lặp đi lặp lại của các hiện tượng và quá trình kinh tế. Vậy đặc điểm của quy luật kinh tế là gì?
Quy luật là gì?
Theo cách hiểu thông thường, thì quy luật là những hiện tượng có tính logic, trật tự và lặp đi lặp lại trong cuộc sống hằng ngày. Dưới góc nhìn của triết học, quy luật lại là sản phẩm của hoạt động tư duy khoa học, phản ánh sự liên hệ của các sự vật và tính tổng thể của chúng. Tức là quy luật là các sự việc, hiện tượng trong cuộc sống, và dưới tư duy, nhận thức của con người, mà nó được đúc kết thành những quy luật cụ thể. Mà Lỗ Tấn đã từng có câu nói rất nổi tiếng rằng “trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường thôi”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì quy luật luôn có tính khách quan. Tức chúng vẫn luôn tồn tại trong thực tiễn, diễn ra hằng ngày dù không có sự nhận thức, phản ánh của tư duy con người. Tức là, con người không thể tạo ra hay làm biến mất các quy luật mà chỉ có thể nhận thức, chấp nhận và vận dụng chúng trong cuộc sống thực tiễn.
Còn theo quan niệm của chủ nghĩa duy tâm, vì quy luật là sự phản ảnh của tư duy não bộ mỗi người, do đó, nó lại luôn mang theo sự đánh giá, quan điểm các nhân, vì vậy, quy luật không thể có tính khách quan.
Tuy nhiên, ngày nay, đa phần mọi người nhìn nhận quy luật là những hiện tượng lặp đi lặp lại và mang tính khách quan.
Quy luật kinh tế là gì?
Quy luật kinh tế là sự phản ánh mối quan hệ nhân quả, tất yếu, khách quan, bền vững, lặp đi lặp lại của các hiện tượng và quá trình kinh tế. Kinh tế hàng hóa là một kiểu tổ chức kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm sản xuất ra dùng để bán, để trao đổi trên thị trường, nó vận động chịu sự tác động các quy luật kinh tế riêng có của nó: Quy luật giá trị, Quy luật cung cầu,Quy luật lưu thông tiền tệ.
Các quy luật kinh tế
Một số quy luật kinh tế gồm:
+ Quy luật giá trị cho thấy sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên cơ sở giá trị của nó, tức là dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết. Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất hàng hóa vì nó quy định bản chất của sản xuất hàng hóa, là cơ sở của tất cả các quy luật khác của sản xuất hàng hóa.
+ Quy luật cung – cầu: Nguyên lý cung – cầu, hay quy luật cung cầu xác định rằng thông qua sự điều chỉnh của thị trường, một mức giá cân bằng – mức giá thị trường và một lượng giao dịch hàng cân bằng sẽ được xác định. Mức giá và lượng hàng đó tương ứng với giao điểm của đường cung và đường cầu.
+ Qui luật lưu thông tiền tệ là qui luật qui định lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hóa trong một thời kỳ nhất định. Qui luật này được thể hiện như sau: Lượng tiền cần thiết cho lưu thông hàng hoá trong một thời kỳ nhất định được xác định bằng tổng giá cả của hàng hóa lưu thông trong thời kỳ đó chia cho tốc độ lưu thông của đồng tiền
Đặc điểm của quy luật kinh tế là gì?
Bên cạnh nghiên cứu về khái niệm quy luật kinh tế thì Đặc điểm của quy luật kinh tế là gì cũng là vấn đề quan trọng.
– Về tính chất của quy luật kinh tế mang tính khách quan, Quy luật kinh tế là quy luật xã hội và phần lớn các quy luật kinh tế có tính lịch sử, chỉ tồn tại trong những điều kiện kinh tế nhất định.
+ Thứ nhất: Tính khách quan của quy luật kinh tế:
Cũng như các quy luật khác, quy luật kinh tế là khách quan, nó xuất hiện, tồn tại trong những điều kiện kinh tế nhất định và mất đi khi các điều kiện đó không còn. Nó tồn tại độc lập ngoài ý chí con người.
+ Thứ hai: Quy luật kinh tế là quy luật xã hội
Có thể thấy quy luật kinh tế chỉ phát sinh tác dụng thông qua hoạt động kinh tế của con người. Nếu nhận thức và hành động đúng theo quy luật kinh tế sẽ mang lại hiệu quả, ngược lại sẽ phải chịu những tổn thất.
+ Thứ ba: Phần lớn các quy luật kinh tế có tính lịch sử, chỉ tồn tại trong những điều kiện kinh tế nhất định.
– Đặc điểm của quy luật kinh tế chỉ phát huy tác dụng thông qua hoạt động kinh tế của con người. Chính sách kinh tế là sự vận dụng các quy luật kinh tế và các quy luật khác vào hoạt động kinh tế. Nó chỉ đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả kinh tế cao khi nó phù hợp với yêu cầu của quy luật kinh tế, và đáp ứng được lợi ích kinh tế của con người.
Nội dung quy luật trị là quy luật kinh tế cơ bản của sản xuất và trao đổi hàng hóa
Quá trình sản xuất và trao đổi, lưu thông hàng hóa phải được tiến hành trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết – nghĩa là trên cơ sở giá trị xã hội của hàng hóa.
Yêu cầu trên của quy luật giá trị không phụ thuộc vào tính chất xã hội của quan hệ sản xuất. Nó có tính “độc lập” không phụ thuộc vào chế độ chính trị.
Trong lĩnh vực sản xuất:
Quy luật giá trị yêu cầu: Hao phí lao động cá biệt của các chủ thể sản xuất phải phù hợp với hao phí lao động xã hội cần thiết. Chỉ có như vậy, người sản xuất mới đủ bù đắp chi phí hòa vốn hoặc có lãi. Yêu cầu này của quy luật giá trị không hề có sự “chiếu cố” đối với bất kỳ chủ thể sản xuất kinh doanh nào. Người sản xuất luôn luôn tìm cách hạ thấp lao động hao phí cá biệt xuống nhỏ hơn hoặc bằng hao phí lao động xã hội cần thiết.
Trong lĩnh vực trao đổi, lưu thông hàng hóa:
Quy luật giá trị yêu cầu: Tất cả hàng hóa tham gia lưu thông phải tuân thủ nguyên tắc trao đổi ngang giá, lấy giá trị xã hội làm cơ sở, không dựa trên giá trị cá biệt, tức là dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.
Hoạt động của quy luật giá trị biểu hiện thông qua sự vận động của giá cả thị trường. Người sản xuất và trao đổi hàng hóa tuân theo mệnh lệnh của giá cả thị trường. Giá cả thị trường, dưới ảnh hưởng của quy luật cung – cầu, lên xuống xoay quanh giá trị hàng hóa. Đây là cơ chế hoạt động của quy luật giá trị. Người ta thường thông qua sự lên xuống của giá cả một hàng hóa để xác định giá trị của nó. Những người sản xuất và trao đổi hàng hóa phải tuân theo mệnh lệnh của giá cả thị trường.
Những tác động của quy luật giá trị trong nền kinh tế hàng hóa
Thứ nhất, tự phát điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa thông qua sự biến động của giá cả thị trường:
+ Nếu giá cả hàng hóa bằng giá trị sản xuất là phù hợp với yêu cầu xã hội (hàng hóa này tiếp tục được sản xuất); nếu giá cả hàng hóa cao hơn yêu cầu xã hội thì sản xuất cần mở rộng (hàng hóa đang khan hiếm trên thị trường); nếu giá cả hàng hóa thấp hơn giá trị sản xuất (hàng hóa đang dư thừa so với nhu cầu xã hội) thì cần thu hẹp sản xuất ngành này cần chuyển sang mặt hàng khác.
+ Trong lưu thông, quy luật giá trị điều tiết hàng hóa từ nơi có giá cá thấp đến nơi có giá cả cao, từ nơi cung lớn hơn đến nơi cung nhỏ hơn cầu. Thông qua mệnh lệnh của giá cả thị trường, hàng hóa ở nơi giá cả thấp được thu hút chảy đến nơi có giá cả cao hơn, góp phần làm cho cung cầu hàng hóa giữa các vùng cân bằng, phân phối lại thu thập giữa các vùng miền, điều chỉnh sức mua trên thị trường.
Thứ hai, tự phát kích thích sự phát triển của khoa học – kỹ thuật và lực lượng sản xuất xã hội:
+ Khi giá trị cá biệt nhỏ hơn giá trị xã hội, nếu bán theo giá trị xã hội sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Ngược lại, khi giá trị cá biệt lớn hơn giá trị xã hội điều đó sẽ gây thua lỗ và gặp bất lợi. Để đứng vững trong cạnh tranh và tránh không phá sản người sản xuất cần đảm bảo giá trị cá biệt hàng hóa của mình nhỏ hơn hoặc bằng giá trị xã hội. Muốn như vậy, cần cải biến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới, đổi mới phương pháp quản lý, thực hiện tiết kiệm, v. v.. kết quả lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, năng suất lao động xã hội tăng lên, chi phí sản xuất hàng hóa giảm.
+ Trong trao đổi, lưu thông hàng hóa, người sản xuất phải không ngừng tăng chất lượng phục vụ, quảng cáo, tổ chức tốt khâu bán hàng như vậy sẽ bán được nhiều hàng hóa, v. v .. làm cho quá trình trao đổi, lưu thông được hiệu quả cao, nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp.
Thứ ba, tự phát bình tuyển và phân hóa người sản xuất thành người giàu, người nghèo:
+ Trong quá trình cạnh tranh, những người sản xuất nhạy bén với thị trường, tức là đảm bảo giá cả hàng hóa cao hơn hoặc bằng giá trị xã hội; trình độ năng lực giỏi, sản xuất với hao phí cá biệt thấp hơn mức hao phí chung của xã hội sẽ trở nên giàu có. Ngược lại, những người sản xuất hạn chế về vốn, kinh nghiệp sản xuất thấp, trình độ công nghệ lạc hậu, tức là tạo ra giá trị cá hơn giá trị xã hội thì dễ lâm vào tình trạng thua lỗ, dẫn đến phá sản, thậm chí phải đi làm thuê.
+ Trong nền kinh tế thị trường thuần túy, chạy theo lợi ích các nhân, đầu cơ, gian lận, khủng hoảng kinh tế, v. v… là những yếu tố có thể làm tăng thêm tác động phân hóa sản xuất cùng những tiêu cực về kinh tế xã hội khác.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề đặc điểm của quy luật kinh tế. Nếu trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu và giải quyết vấn đề còn điều gì mà bạn đọc thắc mắc hay quan tâm bạn có thể liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ.